Bắc Giang đẩy mạnh triển khai dịch vụ lưu động về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Dịch vụ lưu động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho người có nguy cơ cao nhiễm HIV (viết tắt là điều trị PrEP lưu động) là dịch vụ y tế nhân đạo và cấp phát thuốc miễn phí hoàn toàn cho người có nguy cơ cao nhiễm HIV, được thực hiện tại các địa điểm bên ngoài cơ sở y tế phù hợp với khách hàng hoặc tại một nơi thuận lợi với một nhóm khách hàng mà do hoàn cảnh hoặc lý do nào đó họ không tiếp cận được với dịch vụ điều trị PrEP tại các cơ sở y tế.

Tại Bắc Giang dịch vụ điều trị PrEP lưu động được triển khai tại tỉnh từ năm 2022 do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đảm nhận công tác khám và điều trị lưu động. Các buổi khám và điều trị lưu động PrEP thường được kết hợp với các buổi truyền thông lưu động PrEP để vừa tư vấn, vừa khám và điều trị PrEP. Khách hàng của các buổi khám lưu động là những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV: MSM, gái mại dâm, người nghiện chích ma túy, người đồng giới.

Địa điểm cung cấp điều trị PrEP lưu động thường là các địa điểm do các đồng đẳng viên trong nhóm các đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV lựa chọn, ưu tiên các tụ điểm trên địa bàn thành phố, các khu công nghiệp, khu nhà trọ tập trung nhiều công nhân lao động…phù hợp với đối tượng nguy cơ cao nhiễm HIV cần điều trị PrEP.

Tại mỗi buổi khám và điều trị PrEP lưu động, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ thành lập một đội khám gồm 1 bác sĩ chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật về khám và điều trị PrEP lưu động có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật và phạm vi chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề phù hợp với điều trị PrEP và các thành viên khác của đội khám và điều trị PrEP lưu động đều có chứng chỉ hành nghề và được đào tạo, tập huấn phù hợp phạm vi chuyên môn được phân công. Các khách hàng khi đến khám và điều trị lưu động đều được tiếp đón, tư vấn, được giới thiệu về các hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) trên địa bàn tỉnh; lợi ích của PrEP; tiêu chuẩn đối tượng tham gia điều trị PrEP; quy trình cung cấp PrEP tại Bắc Giang. Ngoài ra, khách hàng sẽ được cung cấp thông tin cụ thể về các dịch vụ hỗ trợ: Thuốc kháng HIV (thuốc ARV) điều trị PrEP; chi phí xét nghiệm sàng lọc, theo dõi điều trị PrEP; chi phí xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục; chi phí nhân sự tìm ca, kết nối và hỗ trợ khách hàng duy trì điều trị; thực hiện các xét nghiệm sàng lọc HIV, giang mai, creatinin, HBsAg, Anti-HCV;tư vấn sử dụng miễn phí thuốc ARV điều trị dự phòng trước phơi nhiễm. Mỗi khách hàng được phát thuốc miễn phí (từ nguồn Quỹ toàn cầu) sử dụng trong vòng 1 tháng và sẽ được tái khám, nhận thuốc trong các đợt tiếp theo.

Năm 2023, toàn tỉnh có 295/300 khách hàng tham gia điều trị PrEP ít nhất một lần trong năm đạt tỉ lệ 98,3%, tỷ lệ duy trì điều trị PrEP từ 3 tháng trở lên đạt 58,8% năm 2022 và 38,3% năm 2023. Từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã triển khai 12 buổi khám và truyền thông lưu động PrEP tại các tụ điểm thuộc huyện Lục Nam, Thành phố Bắc Giang, Lạng Giang, Việt Yên thu hút 268 lượt đối tượng đến khám và điều trị PrEP. Trong năm 2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiếp tục thực hiện các buổi khám và điều trị lưu động PrEP kết hợp với truyền thông lưu động PrEP tại các tụ điểm của nhóm MSM và các địa điểm do các đồng đẳng viên giới thiệu nhằm thu hút nhiều hơn nữa các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV vào điều trị dự phòng trước phơi nhiễm. Dự kiến sẽ tổ chức 18 buổi điều trị PrEP lưu động kết hợp với truyền thông lưu động, tiếp cận khoảng 360 đối tượng có nguy cơ để truyền thông và giới thiệu các dịch vụ điều trị PrEP đến với khách hàng có nhu cầu.

Để quảng bá cho dịch vụ điều trị PrEP lưu động, ngoài truyền thông trực tiếp qua các buổi khám và điều trị lưu động PrEP thì các hoạt động truyền thông lồng ghép qua các dịch vụ truyền thông về HIV/AIDS, STIs…, truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, các ứng dụng hẹn hò, fanpage các dịch vụ tiếp cận cộng đồng và xét nghiệm hoặc các sự kiện ở trường học, sự kiện cuối tuần hướng đến nhóm khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV cũng đã được triển khai. Phấn đấu trong năm 2024, tỷ lệ người MSM được điều trị PrEP đạt 30%. Số khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV được điều trị PrEP ít nhất 1 lần đạt 600 người. Tỷ lệ khách hàng duy trì điều trị PrEP sau 3 tháng đạt trên 80%.

Tác giả: Đỗ Phú

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập:8882

Số lượt truy cập: 40616003