Bắc Giang tạo điều kiện để người dân tiếp cận dễ dàng với PrEp

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) là phương pháp hữu hiệu có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV lên đến 90%. PrEp được triển khai tại Bắc Giang từ tháng 10/2020. Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, Bắc Giang đã cơ bản triển khai tốt và có những kết quả bước đầu trong điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh.

Tính từ 1/1/2024 đến 30/6/2024 số khách hàng đang sử dụng PrEP là 247 người, trong đó có 244 người sử dụng PrEP hàng ngày, 3 người sử dụng PrEP tình huống. Số khách hàng nhận dịch vụ PrEP ít nhất một lần là 332 người. Trong đó số khách hàng đã sử dụng PrEP từ 3 tháng trở lên kể từ lần đầu tiên sử dụng là 92 người. Có kết quả xét nghiệm HIV âm tính là 92 người. Số khách hàng đã sử dụng PrEP dưới 3 tháng kể từ lần đầu tiên sử dụng là 240 người. Tỷ lệ những người sử dụng PrEP tiếp tục uống PrEP từ 3 tháng trở lên kề từ lần đầu tiên sử dụng đạt 27,7%. Tỷ lệ những người sử dụng PrEP duy trì điều trị đạt 27,7%. Số khách hàng dừng sử dụng PrEP là 85 người, trong đó dừng sử dụng PrEP do khách hàng không còn nguy cơ là 11 người; dừng sử dụng do nguyên nhân khác (di chuyển nơi ở) là 18 người, 53 người mất dấu trong vòng 30 ngày kể từ ngày tái khám, 2 người dừng sử dụng PrEP tình huống. Để chương trình Prep đạt được hiệu quả tốt hơn, khách hàng tiếp cận với Prep dễ dàng và thuận lợi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Giang đã triển khai đồng bộ và mạnh mẽ các biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEp) trên địa bàn toàn tỉnh.

Năm 2024, Bắc Giang đã hướng tới mục tiêu tỷ lệ nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được điều trị PrEP đạt 30%; Số khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV được điều trị PrEP ít nhất 1 lần đạt 600 người; Tỷ lệ khách hàng duy trì điều trị PrEP sau 3 tháng đạt trên 80%; Hoạt động điều trị PrEP được lồng ghép vào chương trình phòng, chống HIV/AIDS, các số liệu báo cáo về PrEP được lồng ghép vào hệ thống giám sát, báo cáo chung về HIV để theo dõi tình hình dịch HIV và đánh giá hiệu quả các hoạt động điều trị PrEP.

Bắc Giang đã xác định truyền thông đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về PrEP. Các chương trình truyền thông được thiết kế và triển khai một cách bài bản, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Nội dung truyền thông chủ yếu tập trung các vấn đề về PrEP: cơ chế hoạt động, hiệu quả phòng ngừa HIV, lợi ích và an toàn của thuốc, lợi ích của việc tuân thủ điều trị... Bên cạnh đó, truyền thông còn hướng tới giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến PrEP. Các chiến dịch truyền thông được tổ chức đa dạng với nhiều kênh khác nhau như truyền thông đại chúng, trên các trang mạng xã hội, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, từ đó thông điệp về PrEP đến được với đông đảo người dân hơn. Trong năm 2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật dự kiến tổ chức 18 buổi truyền thông trực tiếp cho 360 đối tượng tại các điểm nóng trên địa bàn như: nhóm MSM, các khu công nghiệp, khu tập trung nhiều dịch vụ ăn chơi, giải trí...Trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tổ chức được 9 cuộc truyền thông trực tiếp lồng ghép tại các buổi khám, xét nghiệm lưu động tại cộng đồng cho các nhóm nguy cơ cao.....

Bắc Giang đã đa dạng hóa các mô hình cung cấp dịch vụ PrEP nhằm cải thiện khả năng tiếp cận và duy trì điều trị của người dân. Các mô hình tiếp cận dựa vào cộng đồng, đặc biệt là với các nhóm nguy cơ cao, sẽ giúp họ dễ dàng tiếp cận PrEP hơn trong bối cảnh còn nhiều rào cản và kỳ thị xã hội. Có thể kể đến như mô hình Prep lưu động cung cấp các dịch vụ khám, tư vấn, xét nghiệm và cấp thuốc PrEP miễn phí cho các nhóm nguy cơ cao tại các điểm nóng trên địa bàn. Đội Prep lưu động bao gồm các bác sỹ, dược sỹ, điều dưỡng, xét nghiệm và tư vấn viên … có kinh nghiệm chuyên môn thuộc lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS đã thực hiện khám, điều trị và theo dõi bệnh nhân PrEP. Đội có trang thiết bị chuyên dụng thực hiện khám, sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm, lập hồ sơ bệnh án, kê đơn điều trị và cấp phát thuốc PrEP miễn phí từ nguồn Dự án cho bệnh nhân đủ tiêu chuẩn điều trị tại cộng đồng. Tính đến tháng 6/2024, Bắc Giang đã tổ chức được 9 buổi Prep lưu động tại các điểm nóng trên địa bàn như Khu Công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng, khu dân cư tại Đồi Ngô, Lục Nam, Thành phố Bắc Giang...Tại đây, các đối tượng được khám, xét nghiệm HIV, viêm gan B, viêm gan C, creatinin hoàn toàn miễn phí, cung cấp các vật dụng can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV như bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn và tư vấn về Prep. 

Công tác tập huấn về kỹ năng tư vấn, truyền thông về PrEP cho các nhân viên y tế, tư vấn viên cộng đồng được đẩy mạnh. Bởi vì việc tư vấn và hỗ trợ người sử dụng PrEP đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tuân thủ điều trị và giảm tỉ lệ bỏ trị. Trong 6 tháng đầu năm 2024, số khách hàng dừng sử dụng PrEp là 85 người, trong đó có 83 người dừng sử dụng PrEp hàng ngày, 01 người dừng sử dụng PrEp do độc tính của thuốc, 11 khách hàng dừng PrEp do không còn nguy cơ, 18 khách hàng dừng sử dụng do các nguyên nhân khác như di chuyển chỗ ở, 53 khách hàng dừng PrEp do mất dấu trong vòng 30 ngày hẹn tái khám. Do đó các nhân viên y tế, tư vấn viên cộng đồng cần trau dồi khả năng cung cấp thông tin đầy đủ, giải đáp các thắc mắc của người bệnh, đồng thời hỗ trợ xử trí các vấn đề gặp phải trong quá trình điều trị như tác dụng phụ của thuốc. Ngoài ra, những người đã và đang sử dụng PrEP thành công sẽ chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ và động viên những người mới bắt đầu hoặc gặp khó khăn trong điều trị cũng là mô hình được quan tâm phát triển. Sự đồng cảm và khích lệ từ chính những người đi trước sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho người bệnh kiên trì với Prep. Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể và lĩnh vực khác nhau như y tế, giáo dục, lao động - xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng đã phát huy tối đa hiệu quả của chương trình Prep.

Trong thời gian tới, Bắc Giang sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp như tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ, cải thiện chất lượng tư vấn hỗ trợ người dùng, tăng cường hợp tác đa ngành...trong điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEp). Điều này sẽ góp phần quan trọng vào mục tiêu kiểm soát có hiệu quả dịch HIV/AIDS tại Bắc Giang nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tác giả: Bích Hợp

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập:14713

Số lượt truy cập: 45275690