Phòng, chống HIV trong nhóm MSM

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Trong lần gặp gỡ anh NVT thành viên nhóm đồng đẳng MSM (nam có quan hệ tình dục đồng giới), khác với nhiều đồng đẳng mà tôi được gặp, anh khá bình dị, mộc mạc và chân thành.

Là một thành viên hoạt đồng trong nhóm “Tiếp cận cộng đồng MSM” hoạt động từ những ngày đầu tiên thành lập nhóm. Anh T cho biết ban đầu chỉ có mấy thành viên, nhưng thời điểm hiện tại có 10 tiếp cận viên nòng cốt. Công việc chính của nhóm MSM  là cung cấp kiến thức về HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), tăng cường truyền thông nhằm giảm sự kỳ thị của cộng đồng tới nhóm MSM, tạo ra các sân chơi lành mạnh cho các nhóm MSM và giao lưu với tất cả mọi người, từ đó có thể tìm ra được những MSM chưa dám bộc lộ giới tính của mình, hướng họ vào các cuộc chơi lành mạnh. Tiếp cận người nhiễm HIV, các đối tượng nguy cơ cao như gái mại dâm, người nghiện chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM)… để tuyên truyền, vận động họ thực hiện các biện pháp phòng tránh HIV cho bản thân, cộng động; đưa họ tiếp cận các dịch vụ y tế như xét nghiệm HIV, kết nối điều trị HIV cho người nhiễm HIV/AIDS.  Ngoài ra, nhóm còn thực hiện các hoạt động như cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV tại cộng đồng bao gồm phân phối sinh phẩm tự xét nghiệm HIV; cấp phát các vật dụng giảm tác hại lây nhiễm HIV như bao cao su, chất bôi trơn, chuyển gửi khách hàng đến các dịch vụ phù hợp như: xét nghiệm HIV khẳng định, điều trị ARV, điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV…

Theo anh T chia sẻ: công việc không phải lúc nào cũng dễ dàng và thuận lợi vì các đối tượng MSM đều ngại công bố danh tính, không muốn để cộng đồng hoặc người khác biết về mối quan hệ MSM của mình, họ sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử, nhiều người sợ cả chính các thành viên trong gia đình biết. Vì vậy để tiếp xúc đối tượng hoặc để họ thừa nhận hành vi MSM đã là rất khó khăn chứ chưa đến phần tư vấn họ sử dụng biện pháp an toàn hoặc đi xét nghiệm HIV. Nhiều cuộc các thành viên tận tụy, nhiệt tình tư vấn, không ngại bị từ chối hẹn gặp được các thành viên cho đến khi tổ chức cuộc gặp mặt để tư vấn, xét nghiệm các thành viên lại từ chối tham gia. Mỗi lần bị từ chối, các thành viên trong nhóm lại động viên lẫn nhau, tìm các để tiếp xúc nói chuyện với khách hàng, bản thân là đồng đẳng nên các thành viên trong nhóm cũng phần nào nắm được tâm lý của cộng đồng MSM. Từ e dè, sợ gặp mặt người lạ, chính nhờ sự kiên trì, chân thành của các thành viên nên các hoạt động khám, tư vấn, xét nghiệm từ mô hình hoạt động của nhóm liên tục được triển khai. Các hoạt động truyền thông can thiệp, giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm, cung cấp dịch vụ về HIV như tư vấn, xét nghiệm, điều trị trước phơi nhiễm HIV và điều trị ARV… cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, trong đó có nhóm đối tượng MSM được đặc biệt quan tâm đẩy mạnh. Toàn tỉnh đã tổ chức được 03 sự kiện truyền thông tư vấn hoạt động PrEP; 18 buổi truyền thông cho nhóm MSM thu hút được 360 người thuộc nhóm MSM tham gia.

Bên cạnh đó, để nâng cao kiến thức cho các thành viên nhằm phục vụ công việc được tốt hơn, nhóm thường xuyên cử các thành viên tham gia các lớp tập huấn, các buổi giao lưu do các cơ sở y tế và các tổ chức phi chính phủ tổ chức thực hiện.

Âm thầm, lặng lẽ, các tình nguyện viên của nhóm “Tiếp cận cộng đồng MSM” đang từng ngày, từng giờ thắp sáng niềm tin cho người nhiễm HIV và cả những con người đã có một thời lầm lỡ. Nhiễm HIV/AIDS không phải là chấm hết. Họ có thể sống một cách hữu ích, có thể cống hiến nhiều cho cộng đồng nếu cộng đồng dang tay ra với họ.

Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã xác định nhóm MSM nói chung và nhóm người bán dâm đồng giới nói riêng là những đối tượng cần được ưu tiên trong can thiệp dự phòng HIV/STIs. Trên thế giới, đã có rất nhiều mô hình can thiệp  được triển khai nhằm tăng cường dự phòng lây nhiễm HIV/STIs cho nhóm đối tượng  này, như mô hình giáo dục đồng đẳng  (Peer-education), mô hình phổ biến quan điểm thông qua thủ lĩnh (POL), mô hình NAZ, mô hình 3MV (Many men, many voice) hay mô hình tiếp thị xã hội.

Ông Trần Xuân Thanh – Trưởng Khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Giang đã đánh giá cao các công việc cũng như thành quả mà các nhóm Tiếp cận cộng đồng MSM mang lại. Theo ông Thanh kết quả phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua, ngoài sự tham gia của cả hệ thống chính trị, ngành y tế, còn có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức xã hội. Các nhóm đồng đẳng viên đã có nhiều việc làm sáng tạo, các thành viên nhóm rất nhiệt tình, thành quả mà các nhóm đạt được góp phần không nhỏ trong việc giảm lây nhiễm HIV ra cộng đồng.

          Một lợi thế khác, là các tổ chức cộng đồng ngày nay cũng rất nhanh nhạy và có lợi thế đó là tiếp cận, truyền thông nâng cao nhận thức cho các đối tượng đích: Các tổ chức cộng đồng tổ chức truyền thông qua mạng xã hội như facebook; zalo; ticktok, Bluse... Do là người có cùng hoàn cảnh nên việc tiếp xúc và chia sẻ của các đồng đẳng viên với người nhiễm HIV, các đối tượng nguy cơ cao dễ đồng cảm hơn, chính vì vậy hiệu quả công việc sẽ cao hơn. Họ chính là "cánh tay nối dài" của ngành Y tế, đã giúp cho các đối tượng nguy cơ cao, người nhiễm HIV sớm tiếp cận các dịch vụ trong dự phòng và điều trị HIV, qua đó giúp giảm bớt sự lây nhiễm ra cộng đồng.

Nguyễn Văn Hòa

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập:1529

Số lượt truy cập: 37136401