Tháng hành động phòng, chống ma túy: Làm lại cuộc đời nhờ điều trị methadone

|
查看数次:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Được triển khai từ cuối năm 2013, đến nay, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone đã được thực hiện trên toàn tỉnh, giúp người nghiện ma túy tiếp cận điều trị. Nhờ tuân thủ phác đồ điều trị, nhiều trường hợp từ bỏ ma túy để làm lại cuộc đời.

Tuân thủ phác đồ

Là công nhân của một doanh nghiệp (DN) vận tải đường sông, 15 năm trước, trong một lần cùng đồng nghiệp đưa tàu xuống Quảng Ninh chở than, ông Nguyễn Đức T (SN 1958), trú tại phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) bị bạn bè lôi kéo sử dụng ma túy. Những tưởng chỉ dùng một lần để thử cảm giác lạ, ai ngờ ông T không thể dứt khỏi “cái chết trắng”. Từ một công nhân chăm chỉ, ông T bỗng chốc biến thành con người khác, bị DN luân chuyển xuống làm bảo vệ rồi chấm dứt hợp đồng lao động.

 

Bệnh nhân đăng ký uống thuốc methadone tại Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa.

 

Mỗi khi lên cơn nghiện, ông không thể kiểm soát được hành vi. Hết tiền, thấy trong nhà có vật dụng giá trị, ông T lại mang đi bán để mua ma túy. Cha mẹ, vợ con dù can ngăn thế nào cũng không được. Đến năm 2013, khi chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone triển khai, được gia đình, nhân viên y tế phường động viên, ông T đăng ký điều trị tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh. 11 năm qua, cứ vào 7 giờ sáng hằng ngày, ông lại có mặt tại Khoa phòng, chống HIV/AIDS (CDC tỉnh) để uống thuốc. Nhờ quyết tâm cao và tuân thủ điều trị, đến nay ông đã từ bỏ được ma túy, làm lại cuộc đời.

“Trước đây, lúc nào trong đầu tôi cũng chỉ nghĩ làm thế nào để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, không có tâm trí nghĩ đến gia đình. Giờ đây, khi kiểm soát được sức khoẻ nhờ methadone, tôi có thời gian chuyên tâm làm ăn, chuyện trò, giao lưu với mọi người, tình cảm vợ chồng, mối quan hệ với người thân cải thiện rõ rệt, mọi người thay đổi cách nhìn nhận về bản thân tôi, không gọi tôi là “con nghiện” nữa”, ông T chia sẻ.

Cùng với CDC tỉnh, hiện nay 10/10 trung tâm y tế các huyện, thị xã, TP cũng triển khai chương trình này. Qua thống kê, các cơ sở điều trị đang tiếp nhận, điều trị cho 1.262 người. Nhờ tuân thủ phác đồ điều trị, nhiều người đã tìm lại được chính mình, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội. Nghiện ma túy từ năm 2009 khi đang là sinh viên năm cuối của Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội, anh Nguyễn Văn T (SN 1988), trú tại xã Danh Thắng (Hiệp Hòa) tưởng như mất tất cả khi luôn bị những cơn nghiện hành hạ. Được gia đình động viên, từ năm 2013 đến nay, ngày nào anh cũng đều đặn uống thuốc. Không còn phụ thuộc ma túy, anh T có công việc ổn định tại một DN trên địa bàn, cùng vợ nuôi dạy hai con.

Tương tự, từ năm 2016 đến nay, anh Nguyễn Văn N (SN 1977), trú tại xã Vĩnh An (Sơn Động) duy trì uống methadone vào 7 giờ 30 phút sáng mỗi ngày. Những ngày đầu mới uống, dù gặp khó khăn song nhìn thấy con trai lớn đang tuổi ăn, tuổi học, anh lại quyết tâm điều trị. “Nếu nói methadone đã cứu cuộc đời tôi thì cũng không quá bởi đã giúp tôi không còn cảm giác thèm ma túy, thấy khỏe hơn nhiều. Hiện tôi có công việc, thu nhập ổn định từ quán bán thịt lợn quay tại thị trấn An Châu”, anh N nói.

Chung tay đẩy lùi ma túy

Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế methadone được Bộ Y tế triển khai từ năm 2010. Tham gia chương trình, người bệnh phải có nơi cư trú rõ ràng, tự nguyện điều trị và cam kết tuân thủ quy định của cơ quan chuyên môn. Về kinh phí, người bệnh được cấp thuốc miễn phí, chỉ phải đóng 8 nghìn đồng/người/ngày để phục vụ trực tiếp cho bệnh nhân như: Hồ sơ, nước uống, chi phí bảo quản thuốc…

Qua thống kê, toàn tỉnh có hơn 2,7 nghìn người nghiện ma túy và hơn 440 người nghi nghiện. Hiện các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone đang tiếp nhận, điều trị cho 1.262 bệnh nhân.

Với sự vào cuộc, nỗ lực của các cấp, ngành, những cán bộ làm công tác điều trị cũng như quyết tâm của các đối tượng, nhiều người tìm được việc làm, có thu nhập ổn định, sống hòa nhập với gia đình, cộng đồng. Tuy nhiên qua đánh giá, tỷ lệ người nghiện ma túy tham gia điều trị methadone vẫn thấp, hiện chỉ đạt 40,7% (toàn tỉnh hiện có hơn 2,7 nghìn người nghiện ma túy và hơn 440 người nghi nghiện). Cùng đó, nhiều trường hợp sau một thời gian điều trị không tiếp tục hoặc bị loại khỏi chương trình do không tuân thủ phác đồ điều trị, có kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy.

Ví như tại Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn, nếu như cuối năm 2023, đơn vị điều trị cho 178 người thì đến nay giảm còn 158 người. Cũng trong thời gian này, Trung tâm Y tế TP Bắc Giang giảm từ 200 người xuống còn 178 người; CDC tỉnh giảm từ 153 người xuống còn 143 người; Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa giảm từ 164 người xuống còn 158 người...

Với chủ đề “Chung tay xây dựng xã, phường, thị trấn sạch ma túy”, trong Tháng hành động phòng, chống ma túy năm nay, ngành Y tế tập trung truyền thông về lợi ích, các quy định khi sử dụng thuốc methadone cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện. Các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động tư vấn, hỗ trợ điều trị.

Tại huyện Hiệp Hòa - địa bàn có nhiều đối tượng nghiện, ngay trong tuần đầu tháng 6, Trung tâm Y tế huyện tổ chức tuyên truyền, tư vấn về điều trị, sử dụng methadone tại hai cơ sở cấp thuốc (Trung tâm Y tế huyện và Trạm Y tế thị trấn Bắc Lý). Với huyện Sơn Động, Trung tâm Y tế huyện đang phối hợp tổ chức ra quân tháng hành động, bảo đảm 100% người nghiện ma túy được tư vấn về phương pháp điều trị nghiện bằng thuốc thay thế. Theo kế hoạch, trong tháng 6, CDC tỉnh cử cán bộ hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho các cơ sở điều trị methadone, đồng thời bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho các cơ sở.

Bác sĩ Trần Xuân Thanh, Trưởng Khoa phòng, chống HIV/AIDS (CDC tỉnh) cho biết: “Mục tiêu của điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone là giảm hoặc ngừng sử dụng các chất ma túy, cải thiện sức khỏe, cuộc sống của người bệnh. Do đó, ngoài sự quan tâm, động viên của cơ quan chuyên môn, gia đình và xã hội, rất cần sự nỗ lực của chính bệnh nhân bởi đây là yếu tố quyết định 50% sự thành công. Cụ thể, người bệnh cần có ý chí và quyết tâm lớn để từ chối sự rủ rê, lôi kéo việc tái sử dụng ma túy. Khi đã dùng thuốc cần phải duy trì hằng ngày và trong khung giờ nhất định”.

Nguồn: Báo Bắc Giang

 

User Online:8715

Total visited: 36362049