Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới – nhóm đối tượng chính trong dự phòng trước phơi nhiễm PrEP tại Bắc Giang

|
查看数次:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (viết tắt là MSM). Đây là cụm từ viết tắt từ tiếng Anh: Men who have sex with men hoặc males who have sex with males. Là một khái niệm để nhấn mạnh đến hành vi của những người nam có quan hệ tình dục với những người nam khác bất kể bản dạng giới (gender identity) hoặc xu hướng tính dục (sexual orientation) của người đó là gì.

Cộng đồng MSM đang là nhóm khách hàng được quan tâm trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS do sự gia tăng nhanh chóng cả tỷ lệ hiện nhiễm HIV cũng như tỷ lệ nhiễm mới HIV trong nhóm này. Bộ Y tế ước tính cả nước có khoảng 300.000 người nam quan hệ đồng tính (MSM). Tỷ lệ nhiễm HIV tăng rất nhanh ở nhóm này, từ 2012-2020 tăng hơn 5 lần, từ 2,3% lên 13,3%. So với những năm đầu đại dịch, tỉ lệ MSM nhiễm HIV đã cao nhất, vượt qua nhóm tiêm chích ma túy và mại dâm.

Tại tỉnh Bắc Giang, Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 389 nam quan hệ tình dục đồng giới. Số MSM đang điều trị nhiễm HIV tại tỉnh chiếm 7,14% người nhiễm HIV đang được quản lý tại tỉnh (năm 2023). Trong mấy năm gần đây, số lượng người mắc mới HIV đang có xu hướng tăng trong nhóm đối tượng này. Đây được xác định là nhóm đối tượng chính trong dự phòng trước phơi nhiễm HIV tại tỉnh.

Với sự hỗ trợ của dự án Quỹ toàn cầu, các hoạt động can thiệp nhằm ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong nhóm MSM tại tỉnh đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Các hoạt động truyền thông can thiệp, giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm, cung cấp dịch vụ về HIV như tư vấn, xét nghiệm, điều trị trước phơi nhiễm HIV và điều trị ARV… cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, trong đó có nhóm đối tượng MSM được đặc biệt quan tâm đẩy mạnh. Toàn tỉnh đã tổ chức được 03 sự kiện truyền thông tư vấn hoạt động PrEP; 18 buổi truyền thông cho nhóm MSM thu hút được 360 người thuộc nhóm MSM tham gia. Thông qua các buổi truyền thông đã góp phần nâng cao kiến thức về phòng chống HIV cho nhóm MSM, thu hút họ đến các dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV và dự phòng sau phơi nhiễm HIV.

Mặc dù xã hội hiện nay đã có nhiều cởi mở hơn với cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới nhưng vì các lý do văn hóa, sự kỳ thị và phân biệt đối xử….nên đây vẫn là nhóm quần thể ẩn, khó tiếp cận nhất là khi chúng ta muốn tiếp cận để cung cấp cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Nhằm tiếp cận tốt hơn với nhóm MSM, tại tỉnh đã thành lập nhóm đồng đẳng viên MSM với 10 thành viên MSM tham gia để tiếp cận cộng đồng thông qua các kênh truyền thông như Zalo, Facebook, TikTok… nhằm thu hút, tiếp cận với những người trong cộng đồng MSM, thông qua đó để tư vấn, phát hiện các trường hợp mới và chuyển gửi khách hàng đến các cơ sở y tế để xét nghiệm, điều trị ARV nếu phát hiện dương tính với HIV và sử dụng PrEP để dự phòng nguy cơ lây nhiễm nếu có hành vi nguy cơ cao nhưng chưa nhiễm HIV.

Trong năm 2023, có 2050 người sử dụng ma túy, 124 người bán dâm và 802 người có quan hệ tình dục đồng giới được tiếp cận với các dịch vụ can thiệp giảm tác hại và dự phòng HIV, trong đó đã giới thiệu và tư vấn điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEp bằng thuốc ARV cho 174 đối tượng nhóm MSM.

Theo BS Trần Xuân Thanh – Trưởng khoa Phòng chống HIV – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh “Để giảm tỷ lệ mắc HIV ở nhóm MSM, tiến tới thực hiện mục tiêu lớn là chấm dứt đại dịch HIV/AIDS, phải thực hiện đồng thời nhiều giải pháp nhất là phổ biến kiến thức về HIV và cách phòng tránh lây nhiễm HIV, hướng dẫn sử dụng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), dự phòng sau phơi nhiễm (PEP). Cho các đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm MSM.

Cụ thể, PrEP được khuyến nghị cho những người không nhiễm HIV, nhưng có hành vi nguy cơ nhiễm virus (quan hệ tình dục không an toàn hoặc tiêm chích ma túy). Đặc biệt với nhóm MSM và người chuyển giới cần sử dụng trong suốt thời gian có nguy cơ cao. Tuân thủ tốt liệu trình dự phòng có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục trên 90% và qua tiêm chích ma túy đến 70%.

Còn PEP sử dụng trong trường hợp phơi nhiễm với HIV trong 72 giờ. PEP thường được áp dụng trong tình huống "tai nạn", như không sử dụng biện pháp an toàn, rách hay tuột bao cao su. Hiệu quả dự phòng của điều trị PEP vào khoảng 80%, có thể cao hơn nếu sử dụng trong những giờ đầu. Tác dụng thuốc giảm dần và vô hiệu sau 72 giờ tính từ lúc phơi nhiễm.

Ngoài ra BS. Trần Xuân Thanh cũng  khuyến cáo nhóm MSM nên đề nghị bạn tình kiểm tra sức khỏe trước khi quan hệ tình dục, khám sức khỏe thường xuyên và sử dụng bao cao su 100% khi quan hệ tình dục. Trường hợp nghi ngờ bản thân hoặc bạn tình nhiễm HIV, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị kịp thời. Nếu đã nhiễm HIV, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, nhằm kéo tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện, sẽ không lây bệnh cho bạn tình.

Trong năm 2024, tỉnh Bắc Giang đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tư vấn nhóm để tiếp tục thu hút, tiếp cận được các đối tượng MSM, và các đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV khác để giới thiệu họ đến các dịch vụ tư vấn, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, tiến tới mục tiêu kết thúc đại dịch HIV trong năm 2030 mà tỉnh đã đặt ra.

Đỗ Phú

 

User Online:2875

Total visited: 34411278