Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS năm 2024
Sáng ngày 28/11, Sở Y tế Bắc Giang phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS năm 2024 tại trường THPT Ngô Sĩ Liên – Thành phố Bắc Giang. Tham dự Lễ mít tinh có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng đại diện AHF tại Việt Nam; đồng chí Nguyễn Văn Bình – Phó Giám đốc Sở Y tế; đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động Thương bình và xã hội; Tỉnh Đoàn Thanh niên; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cùng hơn 1600 cán bộ, giáo viên và học sinh trường THPT Ngô Sĩ Liên.
Kể từ khi người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên tại nước ta vào năm 1990, đến năm 2024 Việt Nam đã 34 năm chính thức ứng phó với dịch HIV/AIDS. Với những kết quả đã đạt được Việt Nam đã kiểm soát tốt đại dịch HIV. Mười năm năm liền, Việt Nam đã chặn đà gia tăng của đại dịch, khống chế dịch trên cả 3 tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người tử vong do AIDS và giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS Việt Nam đã tiếp tục kiểm soát được tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3%. Việt Nam đã và đang triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV. Việt Nam đã là một trong ít nước có chất lượng điều trị cho người nhiễm HIV đứng hàng đầu thế giới thông qua việc kiểm soát được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện với tỷ lệ rất cao để giúp cho người nhiễm HIV sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.
Tại Bắc Giang, từ người nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1996, tính đến ngày 25/11/2024 toàn tỉnh luỹ tích có 3.726 người nhiễm HIV được phát hiện HIV trong đó có 2.290 người nhiễm HIV hiện đang còn sống, có 1.436 người nhiễm HIV đã tử vong, số người nhiễm HIV/AIDS hiện đang có mặt tại địa phương là 1.548 người. 11 tháng đầu năm 2024 phát hiện được 62 trường hợp nhiễm HIV mới; Trên địa bàn tỉnh có 100% huyện, thị xã, thành phố và 100% xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV.
Trong gần 30 năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trong đó ngành Y tế có vai trò tham mưu và chỉ đạo thực hiện cùng với sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể; với sự hỗ trợ cả về nhân lực, vật lực của Bộ Y tế, Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các tổ chức quốc tế, Bắc Giang đã nỗ lực kết hợp triển khai toàn diện, hiệu quả các giải pháp về xã hội, về chuyên môn kỹ thuật y tế trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, các dịch vụ về HIV/AIDS từ can thiệp dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV cũng được triển khai một cách toàn diện và hiệu quả. Hiện tại, toàn tỉnh có 1.472 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV, 1.225 người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị nghiện bằng thuốc Methadone. Mỗi năm có trên 63.000 lượt người được xét nghiệm HIV; hàng chục nghìn lượt người được tiếp cận truyền thông, chương trình bao cao su, bơm kim tiêm..., 100% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế. Tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn cơ bản được kiểm soát.
Phát biểu tại buổi mít tinh, đồng chí Nguyễn Văn Bình – Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS diễn ra từ ngày 10/11/2024 – 10/12/2024 với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chồng HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!”. Chấm dứt dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà kết thúc dịch AIDS có nghĩa là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng. Để kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, thay mặt Ngành Y tế, đồng chí kêu gọi mỗi người cần nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về HIV/AIDS, giới tính, sức khoẻ sinh sản, tình dục an toàn, tác hại của ma tuý, cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ cần có sự góp sức của cả cộng đồng trong việc chủ động triển khai các hoạt động truyền thông phù hợp với điều kiện của từng đơn vị mình. Thông qua các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp, đặc biệt qua mạng internet để bảo đảm quyền con người trong tiếp cận dịch vụ y tế, không có sự phân biệt đối xử, đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho tất cả mọi người, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương.
Bên cạnh đó, để thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra, ngành Y tế cần tiếp tục phối hợp tốt với các ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng chống HIV/AIDS; duy trì và mở rộng các loại hình cung cấp dịch vụ y tế phòng, chống HIV/AIDS (can thiệp giảm tác hại, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, xét nghiệm online HIV...), tiếp tục nâng cao công tác điều trị thuốc kháng vi rút HIV chất lượng, hiệu quả; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV, tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS…
Tại Lễ mít tinh, nhiều hoạt động giới thiệu quảng bá, truyền thông về các dịch vụ phòng chống HIV được giới thiệu đến các thầy cô và các em học sinh thông qua các gian hàng giới thiệu sản phẩm, truyền thông, tư vấn trực tiếp các biện pháp phòng lây truyền nhiễm HIV và được các thầy cô và các em học sinh quan tâm, hưởng ứng.
Sau lễ mít tinh, các thầy cô và các em học sinh trường THPT Ngô Sĩ Liên đã diễu hành tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống bệnh AIDS tại các tuyến đường chính trên địa bàn thành phố Bắc Giang.
Cũng trong khuôn khổ lễ mít tinh, đại diện tổ chức AHF Việt Nam đã trao tặng 10 xe đạp và 20 xuất quà cho trẻ bị nhiễm HIV và bị ảnh hưởng bởi HIV trên địa bàn.
Tác giả: Đỗ Phú
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm mùa 19/01/2025
- Cụm Thi đua Sở Y tế các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi... 16/01/2025
- Chăm sóc trẻ mắc bệnh Sởi tại nhà như thế nào cho đùng? 16/01/2025
- Đề nghị báo giá Vật tư phục vụ khám chữa bệnh năm 2025 16/01/2025
User Online:40318
Total visited: 103483906