DỰ PHÒNG LÂY NHIỄM HIV, VIÊM GAN B, GIANG MAI TỪ MẸ SANG CON.
TẠI SAO CẦN LOẠI TRỪ HIV, VIÊM GAN B, GIANG MAI TỪ MẸ SANG CON?
Hằng năm, trên thế giới tỉ lệ trẻ sinh ra bị nhiễm hoặc có nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan B, giang mai từ mẹ khá cao. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, khu vực Tây Thái Bình Dương mỗi năm có khoảng 180.000 trẻ bị nhiễm viêm gan vi rút B, 13.000 trẻ bị nhiễm giang mai và 1.400 trẻ bị nhiễm HIV.
HIV, viêm gan B, giang mai là các bệnh lây truyền qua qua đường tình dục và lây truyền dọc từ mẹ sang con. Bệnh có thể gây tử vong hoặc mắc bệnh suốt đời ở trẻ em.
HIV gây tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Gần 1/3 trẻ sơ sinh nhiễm HIV từ mẹ sẽ tử vong trước sinh nhật đầu tiên. Bệnh kéo dài suốt đời cả ở những trẻ được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trẻ sơ sinh bị nhiễm viêm gan B từ giai đoạn chu sinh có tới 90% nguy cơ phát triển thành viêm gan mạn tính với nguy cơ biến chứng cao sau này thành ung thư gan, xơ gan, suy gan..
Bà mẹ mang thai bị nhiễm giang mai thường bị sảy thai, thai lưu, đẻ non, trẻ sơ sinh nhẹ cân, thâm chí tử vong ngay sau sinh.
Các bệnh này thường diễn biến âm thầm trong thời gian dài. Chính vì vậy phát hiện được bệnh trong thời kỳ mang thai để kịp thời điều trị nhằm dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN TỪ MẸ SANG CON:
Phát hiện sớm HIV, viêm gan B, giang mai để ngăn chặn nguy cơ lây truyền cho con. Phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm máu phát hiện HIV, viêm gan B và giang mai trong lần khám thai đầu tiên hoặc càng sớm càng tốt.
BIỆN PHÁP PHÒNG LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON.
Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần được điều trị thuốc kháng vi rút HIV càng sớm càng tốt, tuân thủ điều trị để giảm tải lượng virut HIV bằng phác đồ hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm HIV có phản ứng khi chuyển dạ cần được điều trị dự phòng ARV ngay, đồng thời lấy máu và chuyển làm xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV. Nếu xét nghiệm HIV của mẹ khẳng định âm tính thì ngừng điều trị.
Điều trị dự phòng ARV cho con: Con sinh ra từ mẹ nhiễm HIV hoặc bà mẹ có kết quả xét nghiệm sàng lọc HIV có kết quả phản ứng khi chuyển dạ cần được điều trị dự phòng bằng thuốc kháng HIV ngay sau khi sinh và được chẩn đoán sớm nhiễm HIV.
Mẹ bị nhiễm HIV có thể cho con bú nhưng phải được điều trị bằng thuốc ARV và tuân thủ tốt để đạt tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế, tốt nhất là dưới ngưỡng phát hiện. Trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn bổ sung khi trẻ tròn 6 tháng tuổi và tiếp tục bú mẹ đến 12 tháng.
Người mẹ chỉ nên nuôi con bằng sữa thay thế nếu: có sự hỗ trợ từ gia đình; Có nguồn cung cấp sữa đầy đủ trong 6 tháng đầu, có nước sạch và chuẩn bị được sữa ăn thay thế đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh và đủ số lượng phù hợp với tuổi của trẻ.
BIỆN PHÁP PHÒNG LÂY TRUYỀN VIÊM GAN B TỪ MẸ SANG CON.
Phụ nữ mang thai bị nhiễm viêm gan B cần được chuyển đến chuyên khoa truyền nhiễm hoặc cơ sở chăm sóc và điều trị các bệnh về gan để đánh giá tình trạng bệnh viêm gan B, xem xét chỉ định điều trị bệnh hoặc điều trị dự phòng lây truyền HBV từ mẹ sang con theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm gan vi rút B của Bộ Y tế.
Tất cả trẻ sơ sinh cần được tiêm vacxin viêm gan B, đồng thời trẻ sinh ra từ mẹ mắc viêm gan B cần được tiêm kháng huyết thanh viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh. Vắc xin viêm gan B và kháng huyết thanh viêm gan B có thể tiêm đồng thời nhưng tại 2 vị trí khác nhau.
Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm viêm gan B cần được theo dõi, làm xét nghiệm phát hiện nhiễm viêm gan B và đáp ứng kháng thể khi trẻ 7-12 tháng tuổi hoặc sau liều vacxin cuối cùng 3 tháng.
BIỆN PHÁP PHÒNG LÂY TRUYỀN GIANG MAI TỪ MẸ SANG CON.
Phụ nữ mắc giang mai cần được điều trị càng sớm càng tốt khi phát hiện bệnh.
Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm giang mai cần được theo dõi, khám lâm sàng và phát hiện các triệu chứng nghi ngờ giang mai bẩm sinh
Trẻ cần được điều trị trong các trường hợp: Trẻ được chẩn đoán lâm sàng giang mai bẩm sinh; trẻ có biểu hiện lâm sàng bình thường nhưng mẹ được chẩn đoán và điều trị muộn trong vòng 4 tuần trước sinh.
Trần Thị Bích Hợp
User Online:26959
Total visited: 74305454