An toàn giao thông vấn đề chung của toàn xã hội

|
查看数次:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

An toàn giao thông đang là vấn đề rất lớn và cần thiết trong đời sống của mỗi người dân. Nhưng hiện nay, tai nạn giao thông vẫn xảy ra với con số gia tăng. Theo báo cáo của UB ATGT Quốc gia trong 9 tháng đầu năm là hơn 4000 người. Nhìn vào con số so với cùng kỳ số lượt người chết vì tai nạn giao thông có giảm nhưng số người chết vẫn là một có số đáng lo ngại, đã có nhiều người ra đường nhưng không thể về nhà, chưa kể số người bị thương, tàn tật còn cao hơn số người bị chết.

Vấn đề tham gia giao thông thế nào cho đúng, an toàn là sự quan tâm của rất nhiều người. Có thể thấy khi tham gia gio thông đa phần người tham gia giao thông đều có ý thức chấp hành pháp luật về giao thông. Ngoài những yếu tố chủ quan như: phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, buồn ngủ… thì có thể nhận thấy rằng, mật độ dân số tập trung đông ở các khu đô thị, hệ thống giao thông, biển báo chưa phù hợp tại một số nơi gây ra tình trạng mất an toàn giao thông, ùn tắc…

Đất nước ta đang từng bước phát triển cả về kinh tế lẫn hạ tầng giao thông, tuy nhiên cùng phát triển hạ tầng, xây dựng nâng cấp các tuyến đường mới thì đa số hệ thống giao thông đặc biệt là đường bộ còn chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Hầu hết các tuyến đường trong đô thị đều nhỏ, vỉa hè ít, thậm chí nhiều chỗ không có vỉa hè nên gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng, mở rộng đường, nâng cấp, cải tạo đường giao thông. Nên vấn đề đặt ra là khi tham gia giao thông thì mỗi người cần nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm Luật an toàn giao thông, tham gia giao thông có văn hóa, xây dựng ký cam kết về an toàn giao thông từ hộ gia đình, công sở, công ty, nhà trường… từ đó xây dựng tập thể văn hóa giao thông, đưa vào xây dựng tiêu chí văn hóa đối với khu dân cư, công sở, công ty, nhà trường như là một tiêu chí bắt buộc.

Cùng với nâng cao ý thức thì cần sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, tăng cường tuần tra các điểm nóng về an toàn giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp cố ý vi phạm về tải trọng, phóng nhanh vượt ẩu, uống rượu bia chất kích thích khi tham gia giao thông. Quy hoạch đồng bộ hệ thống giao thông tầm nhìn dài hạn cùng phát triển hạ tầng đô thị. Không cho buôn bán, kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, gây mất an toàn giao thông. Tăng cường xử lý vi phạm an toàn giao thông bằng hình thức phạt nguội qua camera an ninh để mỗi người khi tham gia giao thông có ý thức chấp hành tốt kể cả khi không có lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra.

Xây dựng văn hóa giao thông từ lứa tuổi học đường bằng nhiều hoạt động thiết thực, giúp thế hệ trẻ có nhìn tích cực, nắm, hiểu và thực hành tốt khi tham gia giao thông. Mỗi người trong xã hội cần thực tốt an toàn giao thông không chỉ vì lợi ích bản thân mà còn vì lợi ích của mọi người, của cộng đồng. Thực tốt An toàn giao thông là đi đôi với việc nâng cao chất lượng cuộc sống xây dựng cộng đồng văn minh, an toàn cho mỗi chúng ta.

Việc thực hiện an toàn giao thông phải là quá khó để đảm bảo an toàn cho bản thân, mọi người và cả tài sản. Hậu quả của việc không thực hiện an toàn giao thông là rất lớn, vì thế mỗi chúng ta cần thực hiện tốt luật an toàn giao thông, chấp hành hiệu lệnh an toàn khi lưu thông. Trái lại với các hành vi an toàn giao thông là vi phạm luật giao thông, gây tai nạn, làm ảnh hưởng đến người khác gây hậu quả cho cộng đồng.

Có thể khẳng định an toàn giao thông không chỉ là vấn đề của người tham gia giao thông nữa, vì cứ một người khi tham gia giao thông là có bố/mẹ, vợ/chồng, con/cháu… mong họ trở về nhà an lành. Vì vậy văn hóa giao thông cần phải được tuyên truyền và áp dụng rộng rãi tạo thành ý thức chung trong cộng đồng để giảm thiểu tối đa về tai nạn giao thông. An toàn giao thông không chỉ là vấn đề chung của xã hội mà còn cần sự đóng góp của mỗi cá nhân.

User Online:2423

Total visited: 34020726