Ngành Y tế Bắc Giang: Tập trung phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm trong và sau mưa lũ, ngập lụt
Cơn bão số 3 đi qua đã khiến nhiều nơi trong tỉnh bị ngập lụt cục bộ do mưa lớn kéo dài ở hầu khắp các địa phương, làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh. Ngành Y tế Bắc Giang đã chủ động kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường, an toàn thực phẩm trong và sau mưa lũ.
Để chủ động các biện pháp phòng chống và sẵn sàng nguồn lực đáp ứng với các tình huống dịch bệnh xảy ra, đảm bảo nguồn nước và môi trường an toàn sau bão nhằm ngăn ngừa, hạn chế các hậu quả đối với sức khỏe con người, các đơn vị y tế trong tỉnh được yêu cầu xây dựng phương án đảm bảo nhân lực, dự trữ và cung cấp đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế để triển khai vệ sinh môi trường, xử lý nước sinh hoạt, phòng chống dịch bệnh ứng phó với các tình huống mưa lũ, ngập lụt. Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ y tế tuyến dưới, người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Phát hiện sớm, xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh, sự cố môi trường, ngộ độc thực phẩm, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ, ngập lụt gây ra; nhanh chóng ổn định, duy trì hoạt động khám chữa bệnh, cấp cứu tại các cơ sở y tế, đảm bảo công tác y tế cho các khu vực bị chia cắt do ngập lụt.
Theo đó trong ngày 8/9/2024, Sở Y tế Bắc Giang đã thành lập Đoàn kiểm tra, hỗ trợ khắc phục sau bão lụt do bão số 3 được chia thành 2 đoàn giám sát tại các huyện bị ảnh hưởng lớn trong bão như Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Yên Thế, Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng, để giám sát về các nội dung như: Giám sát thực tế các hoạt động phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường sau bão số 3; Các biện pháp ứng phó với tình trạng mưa lũ kéo dài; Công tác xây dựng kế hoạch và triển khai các văn bản chỉ đạo phòng chống lụt bão của tuyến trên; Công tác kiện toàn và hoạt động của đội cơ động phòng chống dịch/đội đáp ứng nhanh hay đội phòng chống thiên tai thảm họa tại đơn vị; Giám sát một số điểm ngập lụt và công tác đáp ứng của Trạm Y tế.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương- Giám đốc Sở Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường sau bão lũ tại Tân Yên
Các đơn vị y tế sẵn sàng huy động nhân lực y tế hỗ trợ giữa các đơn vị, các tuyến. Chủ động triển khai vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý nước sinh hoạt, phòng, chống dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý dịch kịp thời, triệt để, không để dịch bệnh bùng phát trong và sau mưa lũ, ngập lụt.
Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, ngành Y tế Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị y tế trong ngành tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh trong mùa mưa lũ, ngập lụt như: Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa (Tiêu chảy do vi khuẩn E. coli, tả, lỵ, thương hàn, bệnh viêm gan A, bệnh do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, thực phẩm bị ô nhiễm), viêm đường hô hấp (Cúm, viêm họng), đau mắt đỏ, mụn nhọt, nấm ngứa tay chân, bệnh phụ khoa, bệnh do muỗi truyền (sốt xuất huyết).
Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Phó Giám đốc Sở Y tế kiểm tra công tác thường trực cấp cứu trong bão số 3 tại Trung tâm Y tế Lục Ngạn
Đẩy mạnh công tác giám sát, phát hiện tại các địa bàn có nguy cơ cao (mưa nhiều, lũ lụt, ngập úng). Phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, cơ sở y tế tư nhân, y tế cơ quan, doanh nghiệp, trường học đặc biệt là mạng lưới y tế thôn bản trong việc phát hiện, thông tin, báo cáo kịp thời ca bệnh, ổ dịch để tổ chức xử lý dịch kịp thời, triệt để.
Cùng với đó là việc tăng cường phối hợp liên ngành và huy động cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ, ngập lụt. Giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để áp dụng các biện pháp phòng bệnh dịch lây nhiễm từ động vật sang người, dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm, đặc biệt tại các điểm ngập sâu, ngập lâu.
Các đơn vị y tế trong ngành bố trí đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất, phương tiện phòng hộ... phục vụ công tác phòng chống dịch, công tác điều trị tại các tuyến; sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi được huy động. Duy trì hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng đảm bảo đạt chỉ tiêu tiêm chủng Sở Y tế giao năm 2024. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức nâng cao năng lực dự báo, giám sát, quản lý, điều trị, cấp cứu cho cán bộ tham gia công tác phòng chống dịch tại các tuyến. Bảo đảm công tác thường trực cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, sẵn sàng thu dung cấp cứu người bệnh và có phương án ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra tại các vùng bị mưa lũ và ngập lụt. Hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp nặng, tử vong, biến chứng.
Tập trung tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân trên địa bàn thực hiện vệ sinh môi trường sau mưa lũ và ngập lụt, theo phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom xử lý xác động vật tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ.
Đảm bảo cung cấp đủ hóa chất, phương tiện, trang thiết bị để xử lý nước, vệ sinh môi trường. Đẩy nhanh công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh tại các cơ quan, cơ sở y tế, trường học, doanh nghiệp và cộng đồng. Thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế hoặc trong các khu tránh trú an toàn theo Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hỗ trợ hóa chất Cloramin B cho TTYT Sơn Động ( Ảnh Đỗ Tập)
Đối với công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, tập trung tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân thực hành tốt các biện pháp bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, ATTP như: Thực hiện “ăn chín, uống sôi”, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi giết mổ, phân phối, chế biến thịt gia súc, gia cầm, thủy cầm.
Đồng thời hướng dẫn lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn; tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng; không sử dụng gia súc, gia cầm chết để làm thực phẩm; không thu hái, đánh bắt, sử dụng các động thực vật độc như nấm độc, rau quả lạ không rõ nguồn gốc, thực phẩm có hình dạng, màu sắc, mùi vị khác thường…
Chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm; tăng cường kiểm tra, hậu kiểm, giám sát ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định ATTP, công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Song song với đó, các đơn vị y tế cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành liên quan, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, xử lý nước sinh hoạt, đảm bảo ATTP trên địa bàn.
Trần Huyền
User Online:6421
Total visited: 63093223