Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS
HIV/AIDS đã để lại hệ lụy cho xã hội, gia đình, bản thân người mắc và đang tác động mạnh mẽ vào nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội của mỗi gia đình và thách thức sự phát triển bền vững của đất nước. Một trong những rào cản khiến việc phòng, chống HIV/AIDS chưa đạt hiệu quả mong muốn, chính là sự phân biệt, kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS và những người có liên quan vẫn còn nặng nề.
Phân biệt đối xử hoặc kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS là thái độ coi thường, làm mất thể diện hay không tôn trọng một người hoặc gia đình họ vì biết họ nhiễm hoặc nghi ngờ bị nhiễm HIV/AIDS. Kỳ thị có thể do các cá nhân, bạn bè, gia đình, cộng đồng và cả cán bộ y tế, thậm chí từ phía chính quyền gây ra với người nhiễm HIV/AIDS. Kỳ thị còn do chính người nhiễm HIV/AIDS gây ra (tức là tự kỳ thị) vì thấy mình không được những người xung quanh chấp nhận hay mặc cảm với hoàn cảnh của mình.
Hậu quả của kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV là họ bị xa lánh, ruồng bỏ, bị tổn thương, không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị để bảo vệ họ và những người khác và làm tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Nhiễm HIV/AIDS là một quá trình kéo dài, người nhiễm vẫn có khả năng làm việc, sinh sống bình thường nếu được điều trị và chăm sóc tốt. Nếu phải chịu sự kỳ thị, phân biệt đối xử thì người bệnh gặp rất nhiều rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ cần có và quyền được kéo dài thời gian sống khỏe mạnh.
Để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS cần nâng cao kiến thức về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS tại gia đình, cộng đồng, nơi học tập, nơi làm việc; triển khai các giải pháp đồng bộ để giảm kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế; Khuyến khích sự tham gia của các nhóm cộng đồng, người nhiễm HIV vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và theo dõi giám sát việc thực hiện các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV; Xây dựng tài liệu truyền thông về HIV/AIDS với nội dung và thông điệp phù hợp với nhóm đối tượng, truyền tải các thông điệp mới có tính tích cực để giảm kỳ thị phân biệt đối xử của cộng đồng với HIV/AIDS và sự tự kỳ thị của người nhiễm HIV; Triển khai các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế theo Chỉ thị số 10/CT-BYT ngày 26/12/2017 của Bộ Y tế về việc tăng cường hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế.
Ngay trong nhận thức của mỗi người hiểu rõ bản chất của HIV/AIDS thì thực sự không đáng sợ, nó chỉ đáng sợ khi chúng ta không hiểu biết về đó. Những người đã bị nhiễm HIV/AIDS hoặc không may mắc phải họ là một phần trong cộng đồng chúng ta, bớt đi một ánh mắt, hành động kỳ thị giúp họ tự tin hòa nhập cộng đồng.
Tác giả: Nguyễn Hòa
User Online:18696
Total visited: 60578640