Để PrEp trở thành một công cụ mạnh mẽ trong cuôc chiến chống lại HIV/AIDS
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV-PrEP được viết tắt của cụm từ tiếng Anh Pre-Exposure Prophylaxis. Sử dụng thuốc kháng HIV cho các cá nhân chưa bị nhiễm HIV (HIV âm tính) và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.
PrEP giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự xâm nhập và nhân lên của virus HIV dùng để tạo ra các bản sao virus mới. PrEP là sự kết hợp của 2 loại dược phẩm kháng virus là Tenofovir Disoproxil Fumarate (TDF) 300 mg và Emtricitabine (FTC) 200 mg trong một viên nén với liều dùng mỗi ngày một viên
Tại Việt Nam, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm đã được triển khai thí điểm từ năm 2017 tại TP. Hà Nội và TPHCM. Kết quả thí điểm cho thấy điều trị dự phòng trước phơi nhiễm là khả thi và được chấp nhận như là một biện pháp dự phòng trong các quần thể nguy cơ cao.
Tại Bắc Giang, hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) đã được khởi động và tháng 10 năm 2020, sau 3 năm đi vào hoạt động, dự án điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV ( PrEp) đã chứng minh hiệu quả. Sau 3 năm đã có 337 lượt khách hàng sử dụng dịch vụ, số khách hàng sử dụng dịch vụ PrEP ít nhất một lần năm 2022 đạt 68%, năm 2023 đạt 98,3%. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2023 toàn tỉnh có 320 người có nguy có cao nhiễm HIV được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV (PrEP) ít nhất 1 lần đạt 107% kế hoạch năm. Trong năm 2024, tỉnh Bắc Giang phấn đấu tỷ lệ người MSM được điều trị PrEP đạt 30%. Số khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV được điều trị PrEP ít nhất 1 lần đạt 600 người. Tỷ lệ khách hàng duy trì điều trị PrEP sau 3 tháng đạt trên 80%. Hoạt động điều trị PrEP được lồng ghép vào chương trình phòng, chống HIV/AIDS, các số liệu báo cáo về PrEP được lồng ghép vào hệ thống giám sát, báo cáo chung về HIV để theo dõi tình hình dịch HIV và đánh giá hiệu quả các hoạt động điều trị PrEP.
Điều này làm cho PrEP trở thành một công cụ mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại dịch HIV/AIDS. Tuy nhiên, việc sử dụng PrEP cần phải được thực hiện đúng cách, kết hợp với các biện pháp an toàn khác như sử dụng bao cao su, để đảm bảo hiệu quả tối đa. Điều này có thể giúp người dùng PrEP cảm thấy an tâm và tự tin hơn trong việc duy trì một cuộc sống lành mạnh và tích cực.
Để đạt được hiệu quả trong việc triển khai sử dụng PrEP, cần có một kế hoạch và quy trình chặt chẽ, kết hợp sự hỗ trợ từ các tổ chức y tế, chính phủ và cộng đồng. Dưới đây là một số cách để triển khai PrEP một cách hiệu quả:
Giáo dục và Tuyên truyền: Cung cấp thông tin chi tiết và dễ hiểu về PrEP cho cộng đồng, bao gồm cả lợi ích, rủi ro và cách sử dụng đúng. Tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông đa dạng như truyền hình, radio, truyền thông mạng và các hoạt động tương tác trực tiếp với cộng đồng.
Tiếp cận và Dự đoán Nguy cơ: Xác định các nhóm nguy cơ cao như những người có quan hệ tình dục không an toàn, người dùng ma túy tiêm chung, và cung cấp PrEP một cách có mục tiêu đến những nhóm này.
Chương trình Thử nghiệm và Xác nhận: Cung cấp dịch vụ kiểm tra HIV định kỳ và xác nhận trước khi bắt đầu sử dụng PrEP, kèm theo tư vấn về hành vi an toàn và các tùy chọn điều trị khác.
Dịch vụ Hỗ trợ và Tư vấn: Đảm bảo rằng người sử dụng PrEP nhận được sự hỗ trợ và tư vấn liên tục từ các nhà cung cấp y tế, bao gồm cả kiểm tra sức khỏe định kỳ, hỗ trợ tinh thần và giáo dục về sức khỏe tình dục.
Cải thiện Tiếp cận và Chi phí: Tạo ra các chính sách và chương trình bảo hiểm y tế hoặc tài trợ để giảm thiểu chi phí cho việc sử dụng PrEP và tăng cơ hội tiếp cận cho mọi người.
Theo dõi và Đánh giá: Thiết lập hệ thống theo dõi và đánh giá định kỳ để đảm bảo việc triển khai PrEP được thực hiện đúng cách và hiệu quả, từ đó điều chỉnh và cải thiện các chiến lược khi cần thiết.
Bằng cách kết hợp những biện pháp này và tạo ra một hệ thống hỗ trợ và giám sát mạnh mẽ, việc triển khai PrEP có thể mang lại hiệu quả cao trong việc phòng tránh lây nhiễm HIV và cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Việc điều trị bằng PrEP mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho người sử dụng như:
Bảo vệ khỏi lây nhiễm HIV: PrEP có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV lên đến 99% khi sử dụng đúng cách, cung cấp một lớp bảo vệ mạnh mẽ cho người sử dụng.
Tự tin hơn trong mối quan hệ: Việc sử dụng PrEP có thể giúp người dùng cảm thấy an tâm hơn trong các mối quan hệ tình dục, giảm lo lắng và căng thẳng liên quan đến nguy cơ lây nhiễm HIV.
Kiểm soát sức khỏe cá nhân: PrEP cho phép người sử dụng có quyền kiểm soát sức khỏe của mình và quyết định về việc bảo vệ bản thân khỏi HIV.
Phòng tránh dịch bệnh: Sử dụng PrEP không chỉ bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn góp phần vào nỗ lực phòng ngừa lây lan của HIV trong cộng đồng.
Tuy nhiên, sử dụng PrEp cần lưu ý một số điều để đạt hiệu quả cao nhất trong điều trị đó là: Tuân thủ đúng liều lượng và thời gian sử dụng, để đảm bảo hiệu quả, người sử dụng cần tuân thủ đúng liều lượng và lịch trình sử dụng PrEP theo chỉ dẫn của bác sĩ; Kiểm tra thường xuyên, việc thực hiện các cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ là quan trọng để đảm bảo PrEP vẫn hoạt động hiệu quả và không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào; Bảo vệ trước các bệnh truyền nhiễm khác, PrEP không bảo vệ khỏi các bệnh truyền nhiễm khác như các bệnh lây qua đường tình dục khác hoặc viêm gan B, vì vậy việc sử dụng bảo vệ bổ sung như bao cao su vẫn cần thiết…
Để thực hiện mục tiêu giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của đại dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội thì việc sử dụng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP) sẽ và luôn là một công cụ mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại dịch HIV/AIDS.
Trần Huyền
User Online:54818
Total visited: 108438514