Các cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Bắc Giang được thành lập và đi vào hoạt động ổn định

|
ページビュー:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
       Tháng 9/2013, cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đầu tiên của tỉnh được thành lập tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS (nay thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh). Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập thêm 10 cơ sở điều trị được đặt tại các huyện/thành phố: Lục Ngạn, Hiệp Hòa, Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang, T.P Bắc Giang,  nâng tổng số cơ sở điều trị lên 11 cơ sở. Trong đó 09 cơ sở thuộc ngành Y tế quản lý: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Trung tâm Y tế thành phố Bắc Giang; Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn, Hiệp Hòa, Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang, Việt Yên và Yên Dũng; 02 cơ sở thuộc ngành Lao động thương bình xã hội quản lý: Cơ sở cai nghiện ma túy Song Mai (Tp Bắc Giang) và Ngọc Châu (Tân Yên).        Trong những năm qua, các cơ sở điều trị Methadone tại tỉnh bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, được các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội đồng tình ủng hộ, phối hợp chặt chẽ và tích cực tham gia. Các bệnh nhân khi đến với các cơ sở điều trị Methadone đều được làm đầy đủ các xét nghiệm: công thức máu, chức năng gan, sàng lọc HIV, viêm gan B, C, xét nghiệm nước tiểu và một số phương pháp cận lâm sàng khác để có chỉ định điều trị cho phù hợp với từng bệnh nhân, đồng thời được tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị, tuyên truyền và phổ biến các chính sách hỗ trợ cho bệnh nhân thuộc diễn miễn giảm để bệnh nhân có thể yên tâm điều trị và thực hiện đúng phác đồ điều trị.         Một số cơ sở điều trị Methadone được thành lập sớm như: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, TTYT huyện Lục Ngạn, Hiệp Hòa, thành phố Bắc Giang, cơ sở cai nghiện Song mai và Ngọc Châu vẫn duy trì số bệnh nhân lớn trên 100 người điều trị mỗi tháng, bên cạnh đó, hai cơ sở mới thành lập năm 2017 tại huyện Lạng Giang và Tân Yên cũng thu hút số bệnh nhân đến điều trị khá đông: huyện Tân Yên (16 bệnh nhân), huyện Lạng Giang (50 bệnh nhân). Đến nay, toàn tỉnh có tổng số 1.739 bệnh nhân được tham gia điều trị, trong đó có 1002 bệnh nhân đang được điều trị Methadone tại tỉnh đạt 70% chỉ tiêu và khoảng 50% so với tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh.        Trong 11 cơ sở điều trị thì chỉ có Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang thực hiện lồng ghép việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone với hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện và chăm sóc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS cho những bệnh nhân vừa bị nghiện ma túy vừa nhiễm HIV/AIDS. Hiện tại có 34/259 bệnh nhân đang điều trị lồng ghép tại Trung tâm. Việc thực hiện mô hình lồng ghép “ba trong một” là một trong những mô hình khá toàn diện về dự phòng, can thiệp giảm tác hại, chăm sóc điều trị thuận lợi, phù hợp, hiệu quả và tiết kiệm nhất cho những người có nguy cơ cao, người nghiện chất dạng thuốc phiện và bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.         Việc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã giúp cho bệnh nhân thay đổi được hành vi nhận thức; giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy tham gia điều trị cai nghiện thay thế bằng thuốc Methadone; giảm tình trạng sử dụng ma túy bất hợp pháp, từ đó giảm tình trạng vi phạm pháp luật của bệnh nhân uống Methadone; nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng thể trạng sức khỏe, không sử dụng lại Heroin, giảm tội phạm do người nghiện gây ra, đồng thời giảm đáng kể chi phí đối với các gia đình có người nghiện các chất dạng thuộc phiện.        Tuy nhiên, công tác điều trị cai nghiện thay thế bằng thuốc Methadone hiện nay cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Số người nghiện ma túy và sử dụng các chất gây nghiện ngày càng phức tạp về số lượng, địa bàn, hình thức sử dụng. Đặc biệt, số người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp tăng mạnh, chủ yếu dạng viên nén và dạng đá, sử dụng đồng thời nhiều loại cả heroin và ma túy tổng hợp gây khó khăn cho công tác điều trị bằng Methadone; Các sơ sở điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ được hỗ trợ thuốc từ trung ương, bệnh nhân phải trả một phần chi phí vận hành dịch vụ uống thuốc, trong khi đa số bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, nghề nghiệp không ổn định, thu nhập thấp, không có tiền để trả phí đầy đủ, tỷ lệ bỏ và không tuân thủ cao, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị tại các cơ sở. Bên cạnh đó, do địa điểm xác định tình trạng nghiện tại các trạm y tế xã, thị trấn cần riêng biệt, đảm bảo an ninh, việc xác định tình trạng nghiện đòi hỏi phải có thời gian theo dõi đối với nghiện các chất dạng thuốc phiện là (03 ngày), đối với ma túy tổng hợp (05) ngày... nên đa số các trạm y tế chưa đáp ứng được, gây ảnh hưởng chung đến công tác xác định tình trạng nghiện của bệnh nhân.       Trong thời gian tới, bên cạnh việc duy trì hoạt động của các cơ sở điều trị Methadone, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành LĐTBXH và Công an để bổ sung, hoàn thiện quy chế phối hợp về tổ chức thực hiện lập hồ sơ đưa người đi cai nghiện bắt buộc, đặc biệt là quy trình thực hiện xác định tình trạng nghiện của bệnh nhân; Phối hợp tích cực tuyên truyền về tác hại của ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp và các biện pháp điều trị nghiện, trong đó chú trọng điều trị nghiện tự nguyện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; Huy động và tiếp nhận các nguồn tài trợ trong và ngoài nước cho hoạt động cai nghiện ma túy, hỗ trợ cho bệnh nhân nghiện ma túy có điều kiện để duy trì điều trị, không bỏ liều, đặc biệt là giảm kỳ thị, phân biệt đối xử, tạo việc làm cho bệnh nhân sau cai nghiện, giúp họ có thu nhập và tái hòa nhập cộng đồng.  

User Online:2932

Total visited: 34024030