Phòng, chống tác hại của rượu bia

|
ページビュー:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, rượu bia hiện xếp thứ 2 trong tổng số 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu ở Việt Nam, trong đó mỗi năm có khoảng 40.800 người tử vong do tác hại của rượu, bia. Rượu/bia chính là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế, chính vì vậy việc phòng, chống tác hại của rượu, bia là vô cùng cần thiết với mọi người, mọi nhà.

          Các tác hại của rượu bia chính là do chất cồn (ethanol) gây ra, thông qua 3 cơ chế trực tiếp chính gồm:

  • Chất cồn trong rượu gây độc mãn tính: Khi con người uống với liều lượng nhỏ và từ từ, chất cồn đã gây độc mãn tính cho các cơ quan và mô trong cơ thể, lâu dần dẫn đến tổn thương tế bào và hậu quả là mắc các bệnh mạn tính, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất cũng như tinh thần con người.
  • Chất cồn gây nhiễm độc cấp tính: Sự tác động lên cấu trúc và chất dẫn truyền của thần kinh trung ương sẽ dẫn đến hệ lụy rối loạn phối hợp động tác, giảm tỉnh táo, rối loạn nhận biết, từ đó ảnh hưởng đến hành vi nên sẽ gây ra các hậu quả cho người uống và người xung quanh. Ví dụ như gây ra thương tích, tai nạn giao thông, bạo lực...
  • Chất cồn gây lệ thuộc: Là một chất hướng thần nên cồn trong rượu có thể làm cho người uống phải gia tăng liều dùng cũng như tái sử dụng. Từ đó khiến con người phải lệ thuộc vào nó, dẫn đến loạn thần do rượu và tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính, gây ra các hậu quả trước mắt và lâu dài.

* Ngoài ra, chất cồn có thể tương tác xấu với các chất hóa học khác trong cơ thể, làm trầm trọng thêm những tổn thương thể chất và tinh thần có sẵn.

          Trên thực tế, không hề có 1 tiêu chuẩn về việc uống bao nhiêu rượu bia là có hại, nguyên nhân là bởi việc dung nạp và nguy cơ do uống rượu bia khác nhau ở mỗi người, phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, các đặc tính sinh học khác.

          Không có mức độ uống rượu, bia nào là an toàn bởi vì dù là uống với một lượng rất nhỏ rượu, bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định.

          Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc uống rượu, bia với bất kỳ mức độ nào cũng làm tăng nguy cơ gây các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư khoang miệngung thư thanh quản, ung thư họng, thực quản, ung thư đại trực tràngung thư gan và ung thư vú.

          Các rối loạn chức năng của cơ thể sẽ xuất hiện ngay từ khi uống một lượng rất ít rượu bia. Cụ thể, nếu một người có nồng độ cồn trong máu là 0,01g/dl thì có nghĩa tương đương với việc mới chỉ uống một ngụm rượu hoặc 1⁄4 lon bia và bắt đầu xảy ra các rối loạn như:

  • Người uống rượu bia sẽ giảm các chức năng của não bộ trung tâm;
  • Tăng hưng phấn, thiếu kiềm chế mọi tình huống;
  • Rối loạn điều chỉnh phối hợp động tác nên khiến cho người uống rượu bia đi đứng không vững, ngã nghiêng,...

          Những rối loạn trên của rượu bia sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm soát tốc độ, duy trì hướng hay sự phản xạ phanh,... trong quá trình điều khiển phương tiện giao thông, cũng như gây kích động tâm trạng dễ dẫn đến xung đột, không làm chủ được hành vi của bản thân người uống.

          Uống rượu bia làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông, xung đột không đáng có và dẫn đến tử vong hoặc tàn phế nặng nề. Do đó, mọi người cần có ý thức phòng chống tác hại của rượu bia.

          Việc phòng chống tác hại của rượu bia là vô cùng cần thiết đối với mọi người mọi nhà

          Để phòng chống tác hại của rượu bia, các bác sĩ khuyến cáo mọi tổ chức, cá nhân hãy hạn chế uống rượu, bia tối đa vì không có ngưỡng nào là an toàn.

          Trong trường hợp có uống thì nên lưu ý một số điều quan trọng sau:

  • Không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần.

1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).

  • Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong 1 lần uống.
  • Nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc
  • Phải uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.
  • Sau khi uống, không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương,...

          Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người bệnh đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.

Đỗ Phú - TTGDSK

User Online:52198

Total visited: 87159150