Bắc Giang thực hiện tốt công tác dân số- Kế hoạch hóa gia đình
Tính đến 30/6/2024, dân số trung bình toàn tỉnh Bắc Giang là 1.936.000 người, tăng 33.075 người so cùng kỳ. Số trẻ em sinh ra là 10.050 trẻ, tăng 39 trẻ so cùng kỳ 2023. Trong đó tỷ lệ sinh con lần thứ 3 trở lên là 15,5%, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) là 114,5 nam/100 nữ giảm 3,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ; tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đang áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 70%.
Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW "Về công tác dân số trong tình hình mới" xác định mục tiêu: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 21-NQ/TW vào cuộc sống, thời gian qua tỉnh Bắc Giang đã tâp trung tiếp tục duy trì triển khai các kế hoạch, chương trình, đề án về công tác dân số như: Kế hoạch Truyền thông dân số và phát triển; Chương trình điều chỉnh mức sinh; Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ; Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; Kế hoạch Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng thông tin quản lý dân số và Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số.
Tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể, các cơ quan truyền thông tuyên truyền chính sách dân số - KHHGĐ bằng nhiều hình thức đa dạng. Hàng quý, Sở Y tế duy trì thông báo tình hình cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm sinh con thứ ba trở lên tới Chủ tịch UBND các huyện/thành phố để Chủ tịch UBND các huyện/thành phố làm căn cứ xử lý, cũng như chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhằm hạn chế đối tượng vi phạm chính sách dân số trên địa bàn. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông chuyển đổi hành vi, điều chỉnh mức sinh, khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con; mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030; tập trung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, truyền thông tư vấn và chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi; củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số... Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư chuyển đổi hành vi để thực hiện đúng chính sách dân số gắn với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Đối tượng truyền thông chuyển đổi hành vi gồm phụ nữ, nam giới và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, bà mẹ mang thai, bà mẹ mới sinh, vị thành niên và thanh niên, người cao tuổi; đối tượng huy động từ cộng đồng là những người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ, gia đình...; đặc biệt lựa chọn ưu tiên truyền thông tại các vùng đặc thù, như vùng mức sinh cao, vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao...
Cùng với đó, tổ chức hội nghị truyền thông cung cấp thông tin cho những người có uy tín trong cộng đồng, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận; truyền thông chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại các xã có mức sinh cao...
Với nhiều giải pháp hiệu quả, cơ cấu dân số của tỉnh có sự chuyển biến, chất lượng dân số được cải thiện trên nhiều phương diện, tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ đạt 99,9 %; tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai 4 lần trong 3 thai kỳ đạt 90%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, số trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao được bổ sung vitamin A liều cao đạt 85% kế hoạch. Tổ chức chiến dịch uống Vitamin A ngày “Vi chất dinh dưỡng” cho trẻ từ 6 đến 59 tháng tuổi trên địa bàn toàn tỉnh đạt 99,4%. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh, tỷ số giới tính khi sinh hiện nay là 114,5 nam/100 nữ giảm 3,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, công tác dân số đang đứng trước nhiều thách thức: Vẫn còn sự phân biệt về giới tính, chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền; hạn chế về truyền thông và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ... Công tác truyền thông, giáo dục về dân số ở một số khu vực, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao.
Trong thời gian tới, Ngành Y tế tiếp tục tập trung cao thực hiện các mục tiêu như: Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số. Mở rộng cung cấp các dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh, tật trước khi sinh và sơ sinh, dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Duy trì vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh lồng ghép các yếu tố dân số vào xây dựng và thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Trần Huyền
User Online:13617
Total visited: 60507404