Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: Chủ động phòng, chống dịch, bệnh Liên cầu lợn ở người

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Ngày 14-15/4/2017, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang đã ghi nhận 04 trường hợp nghi mắc Liên cầu lợn, trong đó có 03 trường hợp ở xã Hương Mai, huyện Việt Yên (cùng tham gia thịt lơn và ăn thịt lợn ốm, chết) và 01 trường hợp ở xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Không ăn tiết canh lợn và các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn không đảm bảo an toàn thực phẩm          Để chủ động phòng, chống dịch, bệnh liên cầu lợn ở người, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có công văn số 128/KSBT-KSBTN, ngày 17/4/2017 về việc Tăng cường phòng, chống bệnh do Liên cầu lợn ở người, yêu cầu Trung tâm Y tế các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:         Tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng, chống bệnh liên cầu lợn; không giết mổ hay tiêu thụ lợn mắc bệnh, lợn chết, thực hiện vệ sinh ăn uống, không ăn tiết canh lợn và các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn không đảm bảo an toàn. Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở người, điều tra xử lý kịp thời những trường hợp mắc bệnh và trường hợp nghi ngờ. Khi phát hiện trường hợp mắc cần tiến hành điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, lập danh sách người liên quan dịch tễ và triển khai các nội dung theo hướng dẫn tại Quyết định số 4665/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 của Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn giám sát, phòng, chống bệnh Liên cầu lợn trên người”. Phối hợp chặt chẽ với đơn vị thú y trên địa bàn giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên động vật, làm cơ sở cho việc phòng, chống dịch chủ động tại địa phương. Thực hiện báo cáo kịp thời theo hình thức báo cáo nhanh, duy trì báo dịch hàng ngày theo đúng quy định cho tới khi hết dịch.

MỘT SỐ NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG LIÊN CẦU LỢN Ở NGƯỜI       

  1. Không giết mổ hay tiêu thụ lợn mắc bệnh, lợn chết. Thực hiện vệ sinh ăn uống, không ăn thịt hoặc phủ tạng lợn chưa nấu kỹ; không ăn tiết canh lợn và các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn không đảm bảo an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng chỉ nên mua thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm dịch.
  2. Sử dụng các phương tiện phòng hộ như găng tay, ủng, kính bảo vệ mắt; rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt lợn, đặc biệt khi phải xử lý lợn mắc bệnh hoặc lợn chết.
  3. Khi có vết thương hở, hoặc có các vùng da bị tổn thương không nên giết mổ lợn hoặc chế biến thịt lợn tươi sống; hoặc nếu có thì cần băng kín vết thương trước khi tiếp xúc và dùng chất khử trùng sau khi làm việc.
  4. Dùng xà phòng sạch rửa sạch sẽ các đồ dùng chăm sóc, giết mổ hay dụng cụ nhà bếp ngay sau khi sử dụng.
  5. Thực hiện tốt vệ sinh thú y, đảm bảo môi trường khu vực chăn nuôi lợn và các loại gia súc sạch sẽ, thoáng khí, ủ phân để diệt mầm bệnh; không mua bán, vận chuyển lợn nhiễm bệnh từ các khu vực có lưu hành bệnh tới khu vực khác.
  6. Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăm sóc, giết mổ lợn mắc bệnh, chết hoặc ăn sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần phải đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được khám, điều trị và xử lý kịp thời.
  7. Vi khuẩn Streptococcussuis (S. Suis) có thể phát triển và gây bệnh cho lợn tại các ổ dịch lợn tai xanh, do đó người dân cần báo cho cơ quan thú y ngay khi phát hiện tình trạng lợn ốm, chết, lợn sẩy thai bất thường để xác định nguồn bệnh và có biện pháp xử lý tiêu hủy đúng quy định của ngành thú y.
  8. Thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi lợn và gia súc, đảm bảo vệ sinh khu vực giết, mổ, buôn bán lợn đặc biệt là các chợ đầu mối, chợ khu vực, các cơ sở giết mổ lợn tập trung. Tổ chức việc phun định kỳ dung dịch Chloramin B 2% hoặc các dung dịch khử trùng tiêu độc khác.

 

User Online:3366

Total visited: 34040883