HIV trong Trường học: Cần đồng bộ các biện pháp để bảo vệ học sinh

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), đến nay, Việt Nam có 230.344 ca nhiễm HIV/AIDS, tập trung ở độ tuổi 16 đến 39, trong đó có 175.400 người được điều trị ARV (chiếm 76%), trung bình mỗi năm phát hiện thêm khoảng hơn 10.000 người nhiễm HIV, tập trung chủ yếu ở nhóm nam tình dục đồng giới; vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV. Tích lũy từ năm 1990 đến nay, đã có hơn 112.000 người tử vong do HIV/AIDS.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên Bùi Văn Linh cho biết, theo thống kê của Bộ Công an tính đến cuối năm 2020, nước ta có 235.012 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Điều đáng nói, ma túy đã và đang hủy hoại tương lai của nhiều thanh thiếu niên và đe dọa cuộc sống bình yên của hàng triệu người khác.

Hiện nay, phát hiện sớm ca nhiễm HIV là điều kiện quan trọng để có biện pháp can thiệp hiệu quả, cắt đứt đường lây truyền. Theo số liệu giám sát quốc gia, hiện nay Việt Nam có khoảng 86% người nhiễm HIV biết kết quả xét nghiệm HIV của mình. Nhưng 10% người nhiễm HIV còn lại này rất khó để tiếp cận và xét nghiệm. Vì vậy, Việt Nam đang triển khai các chương trình hành động cụ thể hướng tới phát hiện sớm ca bệnh để đưa vào điều trị.

Trên cơ sở đồng bộ với các văn bản chính sách, năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), trong đó có một bước đột phá trong việc hạ độ tuổi được phép tự nguyện xét nghiệm HIV từ "16 tuổi" xuống "đủ 15 tuổi", việc này đã giúp nhiều bạn trong độ tuổi thanh thiếu niên có nguy cơ nhiễm HIV được tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm HIV được sớm hơn và có những can thiệp dự phòng cũng như điều trị hiệu quả hơn và phù hợp với các quy văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan.

PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, để thích ứng và phù hợp với nhóm mới nổi, ngành y tế đã triển khai các can thiệp linh hoạt, phù hợp như: Đa dạng các dịch vụ xét nghiệm, dự phòng điều trị PrEP, các dịch vụ thân thiện (một điểm đến nhiều dịch vụ)…, nhưng vẫn còn khó khăn, thách thức về nguồn lực (nguồn lực quốc tế suy giảm, ngân sách nhà nước còn hạn chế), nhân lực và hệ thống tham gia phòng chống HIV/AIDS có sự thay đổi, do xu hướng cán bộ ít muốn làm lĩnh vực này.

Với xu hướng dịch HIV hiện nay ở nước ta, tập trung nhiều vào nhóm trẻ tuổi và diễn biến phức tạp của việc lạm dụng các chất kích thích, ma túy tổng hợp, quan hệ tình dục bừa bãi, do tác động của môi trường xã hội cũng như sự phát triển tâm sinh lý sớm hơn của thanh thiếu niên hiện nay... dẫn đến nhiều hành vi nguy cơ đáng báo động trong việc lây nhiễm HIV.

Do đó, để tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm HIV sớm, trước tiên các bạn trẻ cần có hiểu biết đúng về các nguy cơ lây nhiễm HIV, hệ lụy của việc sử dụng các chất kích thích, ma túy tổng hợp cũng như việc quan hệ tình dục không an toàn...

Ngoài ra, các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh cũng cần có hiểu biết về HIV/AIDS và giáo dục giới tính, để kịp thời phát hiện và hỗ trợ con em mình, đặc biệt với trẻ dưới 15 tuổi, để tránh bị lạm dụng và dễ dàng tiếp cận với xét nghiệm HIV.

Để trẻ dưới 15 tuổi thuận lợi tiếp cận dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV và bảo đảm quyền về chăm sóc sức khỏe phù hợp với các quy định hiện hành, cần sự vào cuộc của cả gia đình, nhà trường và xã hội.

Nhà trường tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tọa đàm, nói chuyện sức khỏe về các biện pháp phòng, chống HIV cho học sinh. Phối hợp với gia đình quan tâm điều kiện sức khỏe, tâm sinh lý để có những biện pháp can thiệp hiệu quả, kịp thời, giúp học sinh nhận thức đúng đắn về HIV để phòng, chống HIV hiệu quả.

Nguyễn Hòa

User Online:2969

Total visited: 34179783