Bắc Giang thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS năm 2024

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Theo báo cáo từ  Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến hết năm 2023 toàn tỉnh đã phát hiện 3.634 người nhiễm HIV, trong đó còn sống 2,3 nghìn người. Hiện có 1,4 nghìn bệnh nhân đang được điều trị tại 5 cơ sở điều trị (OPC) trên địa bàn tỉnh.

Nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, hướng đến mục tiêu chấm dứt dịch AIDS tại tỉnh Bắc Giang vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển Kinh tế - xã hội.

Trung tâm KSBT tỉnh đã triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS  trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2024 với mục tiêu là: 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình.; 90% người nhiễm HIV trong diện quản lý được điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV (ARV) và 90% bệnh nhân đang điều trị ARV có kết quả xét nghiệm tải lượng lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế.

Để thực hiện được các mục tiêu đó, đơn vị đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong đó các hoạt động dự phòng và can thiệp giảm tác hại được đặt lên hàng đầu với việc tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông như: Đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền trên báo chí, chú trọng tuyên truyền trên các báo điện tử có lượng độc giả lớn; trên các hình thức thông tin cơ sở (đài truyền thanh, bảng tin công cộng, tuyên truyền viên và báo cáo viên cơ sở...); tuyên truyền cổ động (pano, áp phích...); xây dựng các sản phẩm truyền thông (video clip, phim...); Tăng cường tuyên truyền trên nền tảng công nghệ số của các mạng xã hội, các ứng dụng có khả năng tiếp cận và được nhóm đối tượng đích sử dụng; Cung cấp thông tin, kiến thức, tài liệu tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS và thông điệp tích cực về bệnh HIV/AIDS trên Cổng/Trang thông tin điện tử của ngành Y tế và các cơ quan, đơn vị; Tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó tập trung ưu tiên nhóm người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; người nhiễm HIV; người có quan hệ tình dục đồng giới; người chuyển giới nữ; người bán dâm, mua dâm; người có quan hệ tình dục với các đối tượng trên, vợ, chồng, bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV.  Cùng với đó là nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, bao gồm phụ nữ mang thai; gia đình có người nhiễm HIV; người dân ở vùng sâu, vùng xa; nhóm người di biến động; lãnh đạo đảng, chính quyền địa phương các cấp.

Tiếp tục tăng cường truyền thông phòng, chống HIV/AIDS nhân sự kiện, đặc biệt trong “Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con”; tháng hành động quốc gia và “Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS”; Tổ chức cung cấp thông tin tình hình dịch HIV/AIDS và các văn bản chỉ đạo, định hướng về phòng chống HIV/AIDS cho phóng viên, cộng tác viên các cơ quan truyền thông của địa phương; Mở rộng mô hình các tổ chức xã hội tham gia phòng, chống HIV/AIDS và các mô hình dựa vào cộng đồng khác, triển khai định kỳ nhằm vào đối tượng đích tại khu công nghiệp…

Song song với các hoạt động dự phòng và can thiệp giảm tác hại chương trình còn tập trung nâng cao kiến thức nhằm giảm kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại gia đình, cộng đồng, nơi học tập, nơi làm việc. Triển khai các giải pháp đồng bộ để giảm kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế’; mở rộng, đổi mới các biện pháp can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV tập trung vào hai nhóm người nguy cơ cao: nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm, nam có quan hệ tình dục đồng giới, vợ/chồng/bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV; Đa dạng hóa các mô hình cung cấp bao cao su và bơm kim tiêm miễn phí phù hợp với nhu cầu của người sử dụng. Đẩy mạnh việc phát miễn phí qua tuyên truyền viên đồng đẳng, cộng tác viên, cơ sở tư vấn xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS. 

Duy trì điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại các cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc theo quy định; Đảm bảo cung ứng đủ thuốc Methadone cho các cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát trên địa bàn toàn tỉnh; Tăng cường công tác truyền thông chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện: truyền thông trực tiếp về lợi ích của chương trình điều trị thay thế cho đối tượng đích (người nghiện các chất dạng thuốc phiện), tình nguyện viên, cộng tác viên tham gia chương trình phòng, chống HIV/AIDS, ma túy tại cộng đồng dân cư ở xã/phường trọng điểm tại các huyện, thành phố; Đa dạng hóa dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV. Đẩy mạnh xét nghiệm HIV trong cơ sở y tế, mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng, xét nghiệm HIV lưu động và tự xét nghiệm HIV.  Triển khai tư vấn xét nghiệm HIV tại 209/209 xã, phường, thị trấn mở rộng hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh.

Mở rộng độ bao phủ cung cấp dịch vụ điều trị PrEP tới khách hàng có nguy cơ lây nhiễm HIV bao gồm: Người có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển đổi giới tính, người sử dụng ma túy, người bán dâm, vợ/chồng của người nhiễm HIV, người có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển đổi giới tính và người sử dụng ma túy; người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV… Đồng thời đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ điều trị PrEP bằng hình thức lưu động đến các địa điểm, khu vực có nhiều người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV để tư vấn, hỗ trợ nhằm giúp họ tiếp cận với các dịch vụ điều trị dự phòng lây nhiễm HIV; Tăng cường dự phòng, phát hiện, điều trị các bệnh đồng nhiễm với HIV/AIDS  như Lao, viêm gan B, C và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; Điều trị thuốc kháng vi rút HIV (thuốc ARV) cho người nhiễm HIV ngay sau khi được chẩn đoán xác định…

Với các giải pháp đồng bộ và các hoạt động dự phòng thiết thực, tỉnh Bắc Giang đã và đang từng bước thực hiện mục tiêu giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, hướng đến mục tiêu chấm dứt dịch AIDS tại tỉnh Bắc Giang vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Trần Huyền

 

User Online:7622

Total visited: 37023892