Truyền thông tạo dựng lòng tin, nâng cao tỷ lệ tiếp cận và duy trì điều trị của khách hàng PrEP

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 14/9/2024, số lũy tích người nhiễm HIV toàn tỉnh 3.726 người, trong đó người nhiễm HIV còn sống hiện đang quản lý tính đến thời điểm báo cáo là 1.590 người.

Số người nhiễm HIV còn sống tập trung chủ yếu tại TP. Bắc Giang với 413 người, chiếm 26% tổng toàn tỉnh. Tiếp đến là các huyện Lạng Giang với 195 người, chiếm 12,3%; huyện Lục Ngạn với 181 người, chiếm 11,4%. Huyện Sơn Động có số người nhiễm HIV còn sống thấp nhất với 36 người, chiếm 2,3%. Hiện nay, đường lây truyền HIV chủ yếu là qua đường quan hệ tình dục chiếm 62,45%; tiếp đến là lây qua đường máu, chiếm 29,18%. Nhóm đối tượng khác (bạn tình nhóm nguy cơ cao nhiễm HIV, quan hệ tình dục khác giới…) chiếm tỷ lệ cao nhất với 60,5%. Tiếp đến là nhóm nghiện chích ma túy (NCMT ) với 28,4%. Thấp nhất là đối tượng phụ nữ bán dâm (PNBD) với 1,2%.

Độ tuổi nhiễm HIV cao nhất tập trung ở nhóm 30-39 tuổi (372 nam và 216 nữ). Nhóm tuổi thấp nhất là 0-14 tuổi (35 nam và 29 nữ).

Thống kê cho thấy, số người nhiễm HIV phát hiện mới tập trung chủ yếu ở nhóm đối tượng khác (bạn tình nhóm nguy cơ cao nhiễm HIV, quan hệ tình dục khác giới…), với 71 trường hợp phát hiện trong năm 2020, giảm xuống còn 56 trường hợp trong năm 2023. Tính đến 14/9/2024 phát hiện mới 29 trường hợp đối tượng khác, 7 trường hợp MSM, 6 trường hợp NCMT, 1 trường hợp phụ nữ mang thai và 3 trường hợp vợ/chồng/bạn tình người nhiễm HIV.

Như vậy có thể thấy, đối tượng bạn tình nhóm nguy cơ cao và quan hệ tình dục khác giới có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất, lên đến 60,5%. Vì vậy, trong những năm gần đây, chương trình phòng, chống HIV tập trung vào các hoạt động can thiệp giảm hại được triển khai đầy đủ tới các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao như NCMT, PNBD và MSM. Đặc biệt trong số đối tượng MSM, có 720 người được nhận dịch vụ trên tổng số 870 đối tượng ước tính trên toàn tỉnh, chiếm tỷ lệ 83%.

Lập hồ sơ bệnh án mới cho khách hàng PrEP tại TTKSBT tỉnh

Tại Việt Nam, điều trị PrEP được triển khai từ năm 2017 ngay sau khuyến cáo của WHO. Đến 31/12/2021, có 28/63 tỉnh, thành phố với gần 200 cơ sở điều trị PrEP cho gần 38.000 người. Tại tỉnh Bắc Giang, hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cũng đã được khởi động và tháng 10 năm 2020, sau 3 năm đi vào hoạt động, dự án điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV ( PrEp) đã chứng minh hiệu quả. Số khách hàng mới điều trị Prep và số khách hàng điều trị Prep ít nhất 1 lần tăng qua các năm. Tính đến 14/9/2024, số khách hàng điều trị Prep mới là 303, số khách hàng điều trị Prep ít nhất 1 lần là 327. Số khách hàng hiện đang điều trị Prep tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là 91 người. Tuy nhiên, số khách hàng PrEP duy trì từ 03 tháng trở lên còn thấp, cùng với đó là những khó khăn trong tiếp cận khách hàng mới tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận khách hàng trong nhóm nguy cơ cao còn hạn chế, tỷ lệ duy trì điều trị của các đối tượng này thấp do sự chủ quan vì nghĩ không thấy nguy cơ lây nhiễm, có những trường hợp thay đổi chỗ ở hoặc bận công việc chưa sắp xếp được thời gian…Cùng với đó có thể thấy, khó khăn lớn nhất trong tiếp cận đối tượng nguy cơ cao lây nhiễm HIV là tâm lý e ngại, sợ bị kỳ thị, sợ bị lộ thông tin cá nhân, nên họ có tâm lý né tránh không muốn tiếp cận chương trình.

Tiếp xúc với chúng tôi bạn N.T cho biết “ Do tính chất công việc em đang làm công nhân ở dưới khu công nghiệp, biết việc quan hệ tình dục với nhiều người dễ lây nhiễm HIV, em cũng muốn tham gia chương trình điều trị của các anh chị nhưng do công việc bận rộn, em ngại đi lại và cũng ngại nhỡ mọi người biết thì xấu hổ, sợ mọi người nhìn em với ánh mắt khinh thường nên em lưỡng lự mãi tận hôm nay mới gặp các anh chị”. Đây có lẽ là tâm lý chung không chỉ của riêng bạn N.T, bởi vậy ngay từ những ngày đầu khi triển khai chương trình cung cấp dịch vụ PrEP, yếu tố bảo mật thông tin khách hàng luôn được Khoa Phòng, chống HIV/AIDS đặt lên hàng đầu và được cam kết mạnh mẽ nhằm tạo dựng lòng tin cho khách hàng, cùng với đó là việc cung cấp dịch vụ xét nghiệm online để khách hàng có thể thuận tiện trong quá trình theo dõi và điều trị của mình.

Để đạt được các mục tiêu đề ra của chương trình PrEP tại tỉnh Bắc Giang là  tỷ lệ khách hàng duy trì điều trị PrEP sau 3 tháng đạt trên 80%, cần đẩy mạnh công tác truyền thông chống kỳ thị, phân biệt đối xử, cung cấp thông tin chi tiết và dễ hiểu về PrEP cho cộng đồng, bao gồm cả lợi ích, rủi ro và cách sử dụng đúng. Tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông đa dạng như truyền hình, truyền thông qua mạng xã hội và các hoạt động tương tác trực tiếp với cộng đồng, đồng thời tạo ra các chính sách và chương trình bảo hiểm y tế hoặc tài trợ để giảm thiểu chi phí cho việc sử dụng PrEP và tăng cơ hội tiếp cận cho mọi người…Nhằm giúp cho những người có nguy cơ cao có thể dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ điều trị dự phòng PrEP, nâng cao tỷ lệ tiếp cận và duy trì điều trị của khách hàng, qua đó hoàn thành các mục tiêu trong Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Trần Huyền

User Online:4824

Total visited: 61451297