PHÒNG CHỐNG THIẾU KẼM Ở TRẺ EM

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

1. Vai trò của kẽm với cơ thể

Kẽm là một vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường của cơ thể. Kẽm tham gia vào hoạt động của các enzym đóng vai trò quan trọng trong sự phân chia tế bào và phát triển cơ thể, tham gia vào chức năng miễn dịch, kẽm rất cần thiết cho sự phát triển của não bộ, phát triển xương ở trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên. Ngoài ra kẽm còn giúp điều hòa vị giác và cảm giảm ngon miệng.

2. Hậu quả của thiếu kẽm

Khi thiếu kẽm cơ thể không có triệu chứng rõ rệt nhưng nó làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và chuyển hóa. Một số biểu hiện của thiếu kẽm: Trẻ thường biếng ăn, buồn nôn và nôn, rối loạn giấc ngủ (trằn trọc, mất ngủ, ngủ ít, khóc đêm kéo dài); trẻ thường chậm lớn, chậm phát triển chiều cao, cân nặng dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng; làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn (tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp…), suy giảm trí nhớ, chậm các dấu hiệu dậy thì đặc biệt ở trẻ nam. Ngoài ra thiếu kẽm còn có các biểu hiện như khô da, móng tay móng chân giòn, dễ gãy, rụng tóc, chậm lành vết thương…

3. Nguyên nhân thiếu kẽm

Nguyên nhân gây thiếu kẽm chủ yếu ở trẻ nhỏ là do chế độ ăn không đa dạng thực phẩm; khẩu phần ăn thiếu các thực phẩm giàu kẽm và vitamin C; chất lượng bữa ăn kém, ăn nhiều ngũ cốc, ít thức ăn có nguồn gốc động vật; khẩu phần ăn nhiều chất ức chế hấp thu sắt kẽm (đậu đỗ không bỏ vỏ…); trẻ thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, viêm đường hô hấp…

4. Đối tượng có nguy cơ thiếu kẽm

Trẻ em bị suy dinh dưỡng, trẻ đẻ non, trẻ em không được bú sữa mẹ, trẻ hay mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng, trẻ em tuổi học đường.

5. Phòng chống thiếu kẽm

- Duy trì chế độ ăn đa dạng thực phẩm, sử dụng thực phẩm giàu kẽm như các loại thịt (thịt nạc, thịt bò, gà..), động vật có vỏ (tôm, cua, hàu, hến…), trứng, sữa, các loại hạt, ngũ cốc. Sử dụng thực phẩm chứa nhiều vitamin C như rau xanh, hoa quả để tăng cường hấp thu kẽm.

- Thực hành tốt nuôi con bằng sữa mẹ: cho trẻ bú mẹ sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi, tiếp tục cho trẻ bú tới 24 tháng hoặc lâu hơn và chế độ ăn bổ sung hợp lý.

- Khuyến khích sử dụng các loại thực phẩm bổ sung kẽm như bánh quy, ngũ cốc, bột dinh dưỡng…

- Thay đổi thói quen ăn uống làm giảm hấp thu kẽm: Bỏ vỏ các loại đậu, đỗ trước khi chế biến cho trẻ ăn…

- Dự phòng và điều trị bệnh liên quan đến thiếu kẽm (nhiễm khuẩn kéo dài như tiêu chảy, nhiễm giun…), tẩy giun định kỳ và tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

- Cho trẻ tới cơ sở y tế khám sức khỏe định kỳ để được tư vấn bổ sung kẽm cho trẻ có nguy cơ thiếu kẽm.

                                                                                                                                    CDC Bắc Giang

User Online:3848

Total visited: 32271623