Những điều cần biết về bệnh phong và cách phòng bệnh
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 44 bệnh nhân phong, rải rác ở tất cả các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.
Nhằm góp phần thực hiện tốt bốn tiêu chí loại trừ bệnh phong cấp huyện theo Thông tư số 17/2013/TT-BYT của Bộ Y tế; đồng thời làm tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, quản lý, chăm sóc bệnh nhân phong để phòng chống tàn tật cho người bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có nhiều hoạt động phối hợp với các đơn vị trong công tác phòng, chống loại bệnh này.
Bệnh phong là bệnh nhiễm khuẩn mạn tính gây bệnh ở da và thần kinh ngoại biên, tuy không nguy hiểm chết người nhưng lại có thể để lại di chứng tàn tật nặng nề cho người mắc bệnh.
1. Nguyên nhân bệnh phong
Bệnh phong là một bệnh nhiễm khuẩn mạn tính do một vi khuẩn có tên khoa học là Mycobacterium leprae gây ra. Trực khuẩn này do một nhà bác học Na Uy tên là Hansen tìm ra năm 1873, nên còn được gọi là trực khuẩn Hansen, và bệnh phong được gọi là bệnh Hansen. Bệnh chủ yếu gây thương tổn ở da, các dây thần kinh ngoại biên và có thể để lại những tàn tật vĩnh viễn ở cơ thể.
2. Phương thức lây bệnh
Bệnh phong lây truyền trực tiếp từ người sang người. Mầm bệnh thải ra từ dịch tiết của bệnh nhân phong qua đường hô hấp và vết thương ở da. Người lành nhiễm phải mầm bệnh chủ yếu qua vùng da bị thương tích và đường hô hấp.
Bệnh phong có tỷ lệ lây nhiễm rất thấp, bởi vì đối với người có sức đề kháng tốt thì cơ thể có khả năng tiêu diệt mầm bệnh, không bị bệnh. Đối với người có sức đề kháng kém, có điều kiện sống thiếu thốn, nhà ở chật hẹp, ẩm ướt, thiếu ánh sáng, thiếu vệ sinh … thì dễ nhiễm bệnh. Bệnh nhân phong có thể dùng thuốc điều trị cắt đứt nguồn lây ngay ở lần uống đầu tiên, do đó trong điều trị không cần cách ly.
3. Cách nhận biết bệnh phong
Trừ những trường hợp không điển hình rất khó nhận dạng, bệnh phong có thể được nhận biết và chẩn đoán một cách dễ dàng dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng đầu tiên của bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng đó thường là sự xuất hiện của một hoặc nhiều dát có màu đỏ hoặc nhạt màu hơn vùng da xung quanh kèm theo sự mất cảm giác hoặc mất tiết mồ hôi ở vùng dát da đó (đỏ/bạc màu – không cảm giác – khô).
4. Phát hiện và điều trị sớm bệnh phong
Bệnh phong thường bắt đầu với những dát da nhưng nó cũng có thể tấn công và làm tổn hại các dây thần kinh ngoại biên. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì những tổn hại thần kinh này sẽ dẫn đến tàn tật vĩnh viễn ở mắt, bàn tay và bàn chân của bệnh nhân cho dù họ có được điều trị khỏi bệnh.
Nếu nghi ngờ có triệu chứng của bệnh, cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh tàn tật có thể xảy ra.
Về nguyên tắc điều trị: Tất cả các bệnh nhân phong phải được điều trị bằng đa hóa trị liệu đủ liều, đủ thời gian qui định. Điều trị tại nhà và miễn phí hoàn toàn. Trường hợp có biến chứng có thể điều trị nội trú tại các cơ sở y tế.
5. Cách phòng ngừa bệnh phong
Hiện nay trên thế giới vẫn chưa có vaccine phòng ngừa bệnh phong nên mục tiêu của phòng ngừa bệnh phong là: Phát hiện sớm và điều trị khỏi hoàn toàn cho những người mắc bệnh phong để cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng; đồng thời cũng làm giảm số lượng người bệnh phát hiện muộn, dẫn đến làm giảm tỷ lệ tàn tật cho người mắc bệnh phong, từ đó người dân sẽ bớt dần những định kiến sai lầm về bệnh phong, đã từng là 1 nguyên nhân làm bệnh nhân ngại đến khám và điều trị bệnh cho bản thân.
Để phòng ngừa bệnh phong chúng ta cần thực hiện các nội dung sau đây
Tăng cường giáo dục sức khỏe trong nhân dân về “những điều cần biết về bệnh phong” bằng nhiều hình thức để người bệnh có thể được phát hiện sớm, điều trị đúng bệnh, người dân có hiểu biết đúng về bệnh phong cũng như không còn những định kiến sai lầm, kỳ thị người mắc bệnh.
Phát hiện sớm và điều trị kịp thời những người mắc bệnh phong để cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng.
Đỗ Tập
User Online:12695
Total visited: 73990851