Để giao thông Việt Nam không còn là nỗi ám ảnh

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Nhiều du khách nước ngoài rất muốn du lịch tới Việt Nam, con người thiện cảm, thiên nhiên kỳ thú, nhiều di tích, văn hóa truyền thống đa dạng. Tuy nhiên có một điều mà chắc chắn một du khách nào cũng thừa nhận họ sợ nhất là khi tham gia giao thông tại Việt Nam, thậm chí họ còn nói vui: "Nếu du lịch mạo hiểm là chưa đủ với bạn, hãy tham gia giao thông ở Việt Nam".

Có thể thấy nước ta đang từng bước hội nhập và phát triển kinh tế, nền kinh tế trung bình so với các nước Châu á, và thấp so với các nước Châu âu. Đa phần các du khách đến Việt Nam đều là những nước phát triển hệ thống hạ tầng của các nước đã phát triển trước chúng ta rất nhiều năm. Vì vậy giao thông của nước ta không theo kịp các nước phát triển là điều đương nhiên. Tuy nhiên có điều phải thừa nhận rằng, ngay bản thân chúng ta khi tham gia giao thông tại các khu đô thị lớn như: Hà Nội, TP HCM,… thì thực sự rất phức tạp, ùn tắc, nhiều xe máy, lấn chiếm vỉa hè… nếu một tay lái không vững từ địa phương lên các TP lớn thì tham gia giao thông thực sự khó khăn. Có thể đổ lỗi cho hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, mật độ dân số ở TP dày… nhưng nhìn nhận một cách thực tế chúng ta có thể thấy ý thức tham gia giao thông của một số người còn thấp, tình trạng lạng lách, vượt ẩu, đi trên vỉa hè, lấn chiểm vỉa hè, tại các khi đô thị lớn còn nhiều gây ùn tắc giao thông, khó khăn khi tham gia giao thông tại các khu đô thị.

Chúng ta cũng đau đớn thừa nhận rằng mỗi ngày ra đường Việt Nam chúng ta có khoảng 30 người không trở về nhà, họ đã không kịp nhìn người thân lần cuối, trong đó có rất nhiều người là trụ cột của gia đình… Con số người chết, tàn tật này cao hơn nhiều so với các nước đã phát triển, quả thực đây là một con số hết sức đau lòng và thương tâm, nó cũng làm giảm sự hài lòng của du khách quốc tế khi đến Việt Nam.

Những biểu hiện ý thức kém thường thấy nhất thì có thể gặp ở mọi nẻo đường, cơ hồ cứ chỗ nào có xe là chỗ ấy có vi phạm. Không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, vượt đèn đỏ, dàn hàng ngang trên đường, đi sai làn đường, sử dụng điện thoại khi đi xe; chẳng những không nhường nhịn mà còn cố giành giật nhau từng khoảng trống trên đường, rồi thì có va chạm nhẹ là đủ các kiểu nào ăn vạ cố tình, rồi hung hăng đòi đánh người, hậu quả có khi còn nghiêm trọng hơn cả tai nạn thật...

Vậy vấn đề cốt lõi ở đây là văn hóa khi tham gia giao thông. Tham gia đúng Luật an toàn giao thông, nói là Luật thì cứng nhắc nhưng muốn an toàn trước hết là phải thực hiện nghiêm Luật rồi mới đến tham gia có ý thức. Ý thức ở đây cần hiểu một cách đồng bộ xây dựng văn hóa giao thông từ cộng đồng, công sở, công ty, trường học… bằng cách tăng cường tuyên truyền, hoạt động thực tế và có cam kết.

Tăng cường xử lý vi phạm về an toàn giao thông, xử lý phạt nguội mọi lúc mọi nơi để người tham gia giao thông nâng cao ý thức tự giác chấp hành ngay cả khi không có lực lượng cảnh sát giao thông.

Từng bước nâng cấp hệ thống đường giao thông, quy hoạch tầm nhìn dài hạn. Đồng thời học hỏi những nước có luật và ý thức chấp hành luật giao thông có thể coi là hình mẫu lí tưởng, như Singapore, Nhật Bản, các nước Châu âu… những nước mà thành công của họ không chỉ dựa vào cơ sở hạ tầng được đầu tư kĩ lưỡng và hiện đại - thứ chúng ta chưa lập tức mà theo được.

Ai trong chúng ta cũng đều mong muốn người thân của mình được bình an, đặc biệt là những người phải tham gia giao thông hàng ngày, khi thấy người thân trở về là chúng ta thấy hạnh phúc. Những điều không mong muốn về an toàn giao thông, những mất mát là không đo đếm được mà tai nạn giao thông gây ra, chúng ta mang trái tim con người, biết đau xót cảm thương, chúng ta đủ sáng suốt và quyết tâm, hãy hành động ngay bởi thảm cảnh đen tối nơi đây đang không ngừng đe dọa cuộc sống, tương lai của mỗi người.

User Online:2387

Total visited: 34013567