Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Tăng cường phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Trong năm 2024, đặc biệt trong 2 tháng gần đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận sự gia tăng cao bất thường số trường hợp mắc bệnh Đậu mùa khỉ (mpox) tại Cộng hòa Dân chủ Công Gô. Từ đầu năm đến nay, nước này đã ghi nhận khoảng 15.600 trường hợp mắc, trong đó có trên 537 trường hợp tử vong; virus mpox nhánh Ib (Clade Ib) đang là nhánh trội trong đợt dịch tại nước này, bước đầu ghi nhận có một số đặc điểm dịch tễ của bệnh khác biệt so với các đặc điểm dịch tễ trong vụ dịch trước đó xảy trong năm 2022-2024 tại khu vực châu Âu và một số quốc gia khác như các trường hợp mắc trẻ hơn (khoảng 50% ở độ tuổi dưới 15 tuổi, khoảng 39 % trẻ dưới 5 tuổi), có sự lây truyền qua nhóm mại dâm nữ (7,5%) và có sự lây nhiễm trong các thành viên trong hộ gia đình.

 Trước diễn biến của dịch mpox lần này và nguy cơ lây lan sang các quốc gia khác, WHO đã công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế (PHEIC) đối với dịch bệnh Đậu mùa khỉ ngày 14/8/2024.

Để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh Đậu mùa khỉ xâm nhập vào địa bàn tỉnh, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố, các Khu công nghiệp tỉnh tăng cường phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ với các nội dung sau:

Cần phối hợp với các Ban, ngành, đoàn, thể tăng cường thông tin truyền thông về tình hình bệnh Đậu mùa khỉ hiện nay, các triệu chứng nhận biết và các biện pháp phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế (kèm theo), tập trung truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao, đồng thời khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có các triệu chứng nghi ngờ/mắc bệnh như: Sốt (> 38,50C), đau đầu, đau cơ, đau lưng, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban cấp tỉnh dạng mụn nước hoặc mụn mủ, xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ. 

Các đơn vị y tế tăng cường giám sát chủ động tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng và tại các doanh nghiệp, lồng ghép giám sát với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giám sát tại cơ sở khám bệnh phụ khoa, da liễu, các cơ sở y tế công, tư cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS (xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP, điều trị ARV) để phát hiện các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh, nguồn lây bệnh từ đó cung cấp các dịch vụ tư vấn, chăm sóc, điều trị.

Đảm bảo việc thu dung, phân luồng khám, điều trị người bệnh tại đơn vị và phòng ngừa lây nhiễm bệnh Đậu mùa khỉ trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Quyết định số 2306/QĐ-BYT ngày 26/8/2022 của Bộ Y tế. Tư vấn, xét nghiệm HIV cho người bệnh và bạn tình của người bệnh Đậu mùa khỉ. 

 Đồng thời chủ động xây dựng, kế hoạch, kịch bản phòng, chống theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; sẵn sàng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ.  

Trần Huyền

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập:15168

Số lượt truy cập: 45283549