Tăng cường triển khai hoạt động và đảm bảo chất lượng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP).

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Ngày 11/12/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 5154/QĐ-BYT về việc phê duyệt kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Trong khuôn khổ hỗ trợ của Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, hoạt động điều trị PrEP tại tỉnh Bắc Giang đã được triển khai tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Theo kết quả điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) năm 2023 của tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ duy trì điều trị trên 03 tháng trong năm mới đạt 46,7%. Chỉ tiêu từ 01/01/2024 tới 31/12/2024 của tỉnh Bắc Giang là 300 khách hàng. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đạt 102 khách hàng sử dụng dịch vụ PrEP ít nhất 01 lần (chiếm 34% so với chỉ tiêu năm 2024).

Nhằm đạt chỉ tiêu khách hàng sử dụng PrEP trong năm 2024 và đảm bảo tỷ lệ duy trì điều trị PrEP đạt ngưỡng chỉ tiêu quốc gia (75%), thực hiện sự chỉ đạo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Sở Y tế tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường triển khai hoạt động và đảm bảo chất lượng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP).

Trung tâm triển khai cung cấp dịch vụ thường quy kết nối chặt chẽ với cộng đồng đích. Căn cứ vào chỉ tiêu 300 khách hàng và kết quả đạt được tới tháng 3/2024, Sở Y tế cần giao chỉ tiêu tháng (từ tháng 4 tới tháng 12/2024) cho cơ sở điều trị PrEP; định kỳ đôn đốc tiến độ triển khai điều trị PrEP để đạt được chỉ tiêu đề ra.

Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh huy động vai trò của các nhóm cộng đồng, các tuyên truyền viên đồng đẳng trong việc tuyên truyền, kết nối và hỗ trợ khách hàng có nhu cầu với cơ sở điều trị PrEP. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông tạo cầu quảng bá dịch vụ PrEP qua các sự kiện truyền thông, truyền thông nhóm nhỏ, mạng xã hội và các ứng dụng điện thoại, tiếp cận khách hàng từ các nguồn (cộng đồng, cơ sở y tế…).

Đồng thời, cải thiện môi trường thân thiện, đa dạng hóa trong cung cấp dịch vụ và kết nối các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tới khám và sử dụng dịch vụ. Tích cực triển khai các can thiệp duy trì điều trị PrEP theo hướng dẫn tại công văn số 102/AIDS-ĐT ngày 17/02/2021 của Cục Phòng, chống HIV/AIDS về việc hướng dẫn triển khai các can thiệp duy trì điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Tập trung rà soát, lập danh sách khách hàng dừng từ 01/10/2024 tới 31/3/2024 và tháng sau đó với các thông tin: độ tuổi, giới, đối tượng, nghề nghiệp, nơi chuyển gửi, nguyên nhân dừng, số kỳ tái khám dưng, số lần liên hệ hỗ trợ khách hàng và các thông tin liên quan khác. Phối hợp với người chuyển gửi để liên hệ tư vấn tạo động lực, hỗ trợ khách hàng vượt qua rào cản (nếu có) để quay lại nhận dịch vụ khi còn nguy cơ nhiễm HIV, hỗ trợ khách hàng nhận dịch vụ ở những địa điểm thuận tiện, phù hợp.

Chú trọng tới công tác củng cố kỹ năng tư vấn sàng lọc khách hàng khi nhận dịch vụ lần đầu tiên hoặc quay lại nhận dịch vụ sau khi đã dừng một thời gian. Chú ý tư vấn hỗ trợ khách hàng dưới 18 tuổi. Quản lý, theo dõi chặt chẽ việc cung cấp thuốc PrEP tại cơ sở điều trị theo hướng dẫn tại công văn số 133/AIDS-ĐT ngày 12/3/2020 của Cục Phòng, chống HIV/AIDS về triển khai dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).

Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai, thực hiện chỉ tiêu giao năm 2024 đúng tiến độ kế hoạch đề ra và báo cáo kết quả hoạt động trên phần mềm HMED theo quy định và bằng văn bản về Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, Sở Y tế trước ngày 27 hằng tháng.

Việt Nga

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập:2705

Số lượt truy cập: 34064840