Bệnh đái tháo đường-Những điều cần biết

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

 Bệnh tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) được xếp vào tốp những bệnh nguy hiểm nhất hiện nay. Giống như ung thư hay HIV, bệnh tiểu đường cũng phát triển một cách thầm lặng, âm ỉ, khi bệnh có biểu hiện ra bên ngoài thì lúc đó dường như đã quá nặng.  Bệnh đái tháo đường nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời theo đúng hướng dẫn có thể gây ra các biến chứng như: bong võng mạc, đục thủy tinh thể, xơ vữa động mạch, viêm dây thần kinh ngoại biên, loét chân, suy thận, đặc biệt là biến chứng gây tổn thương ở tim mạch là cực kỳ nguy hiểm và rất thường gặp, phổ biến nhất là gây tắc mạch vành tim, cao huyết áp, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não gây bại liệt hoặc tử vong.

Tại tỉnh Bắc Giang hiện có trên 19 nghìn người được chẩn đoán đái tháo đường, trong đó có trên 15 nghìn người đang được quản lý theo dõi ở các tuyến, gần 15 nghìn người đang tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ và điều trị có hiệu quả bệnh. Tuy nhiên, đây là một loại bệnh khá phức tạp, có tính di truyền và có liên quan mật thiết tới chế độ ăn uống, sinh hoạt, vì vậy sự kém hiểu biết hoặc chủ quan đều có thể làm cho bệnh tình ngày càng nặng kèm theo các biến chứng khó lường. Vậy đái tháo đường là gì, nguyên nhân và cách điều trị bệnh?

     Đái tháo đường là một bệnh về nội tiết trong đó cơ thể thiếu hoặc không có nội tiết tố insulin do tuyến tụy tiết ra. Insulin có chức năng giúp cho tế bào hấp thu glucose để tạo ra năng lượng, đồng thời insulin còn giúp cho gan dự trữ glucose. Nếu thiếu insulin sẽ làm nồng độ glucose trong máu tăng cao, cơ thể sẽ bài tiết glucose ra ngoài theo đường tiểu gây ra tiểu nhiều, khát nước nhiều, sụt cân, mau đói, mệt mỏi.

Người ta chia đái tháo đường ra làm 2 loại chính là:

1. Đái tháo đường type I: là loại đái tháo đường phụ thuộc insulin, thường gặp ở người trẻ tuổi < 35 tuổi, lứa tuổi hay gặp nhất là 10 – 16 tuổi. Đây là một dạng bệnh nặng trong đó các tế bào của tuyến tụy có nhiệm vụ tiết insulin bị phá hủy nên cơ thể hoàn toàn không có insulin để sử dụng. Nếu không điều trị bằng cách tiêm insulin, bệnh nhân sẽ hôn mê và tử vong.

2. Đái tháo đường type II: là loại đái tháo đường không phụ thuộc insulin, bệnh thường gặp ở người > 40 tuổi, người béo phì, trong đó cơ thể vẫn sản xuất insulin nhưng không đủ cho nhu cầu. Bệnh diễn tiến từ từ, có khi không có triệu chứng gì cả và bệnh nhân phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe định kỳ có thử đường trong máu và nước tiểu.   

      Nguyên nhân của bệnh đái tháo đường:

      Người ta nhận thấy bệnh đái tháo đường có tính di truyền, tuy nhiên chỉ có một số trường hợp người mang gen di truyền bệnh đái tháo đường phát triển thành bệnh, có thể là do các yếu tố thuận lợi làm khởi phát bệnh như: nhiễm virus, nhiễm trùng, viêm tụy, bệnh lý tuyến giáp, sử dụng thuốc corticoid, có thai, béo phì…

ể chẩn đoán bệnh đái tháo đường, người ta cho thử nồng độ đường trong máu và nước tiểu khi đói, làm nghiệm pháp dung nạp glucose.

      Điều trị: mục tiêu của điều trị là giữ mức glucose trong máu càng ở mức bình thường càng tốt (bình thường nồng độ glucose trong máu từ 0,7 – 1,2 g/ lít ở người trẻ và 0,8 – 1,5g/ lít ở người > 60 tuổi)

       – Đối với đái tháo đường type I: điều trị chủ yếu là tiêm insulin mỗi ngày 2- 4 lần, đồng thời điều chỉnh việc ăn uống các chất bột đường về số lượng, thời gian giữa các bữa ăn cho phù hợp với sự đáp của từng người. Bệnh nhân trong khi điều trị có thể có những cơn hạ đường huyết do rối loạn sự cân bằng giữa glucose và insulin được đưa vào (chóng mặt, đổ mồ hôi, hôn mê…) nên đề phòng bằng cách lúc nào trong túi cũng có đường hoặc kẹo glucose.

       – Đối với đái tháo đường type II: do tuyến tụy chỉ giảm sản xuất insulin nên việc điều trị chủ yếu dựa vào chế độ ăn phù hợp bằng cách kiểm soát lượng bột đường đưa vào cơ thể hàng ngày tùy thuộc vào cân nặng, chiều cao, tính chất công việc và độ dung nạp của bệnh nhân, giảm trọng lượng cơ thể, vận động thường xuyên. Nếu áp dụng các phương pháp trên mà đường máu vẫn còn cao thì có thể dùng thuốc hạ đường huyết dạng uống để kích thích tuyến tụy sản xuất insulin nhiều hơn (phải điều trị thử sau đó mới gia giảm liều lượng, thời điểm uống trong ngày sao cho đạt kết quả tối ưu nhất).

       Bệnh đái tháo đường là một bệnh mạn tính, tuy nhiên bệnh nhân vẫn có một cuộc sống tốt đẹp và ý nghĩa nếu bạn kiểm soát tốt lượng đường trong máu thông qua kiểm soát việc ăn uống chất bột đường, vận động cơ thể, không để béo phì và dùng thuốc hạ đường huyết, đề phòng và phát hiện các biến chứng (nhiều người vẫn chung sống với bệnh đái tháo đường vài chục năm).

       Hãy đến chuyên khoa nội tiết ở các cơ sở y tế để được khám, hướng dẫn kiểm soát và điều trị bệnh một cách hiệu quả nhất.

CDC Bắc Giang

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập:3301

Số lượt truy cập: 33797242