Bắc Giang xây dựng kế hoạch thuốc điều trị PrEP nguồn Dự án Qũy Toàn cầu năm 2025

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Để chuẩn bị cung ứng thuốc điều trị PrEP nguồn Dự án Qũy Toàn cầu cho các cơ sở điều trị, căn cứ Công văn số 255/AIDS-ĐT ngày 13/3/2024 của Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế về việc Xây dựng Kế hoạch thuốc điều trị PrEP nguồn Dự án Qũy Toàn cầu năm 2025, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện việc rà soát kết quả triển khai điều trị PrEP tại các cơ sở điều trị năm 2023, chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 để xác định chỉ tiêu năm 2025 của từng cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh.

Dựa trên cách tính nhu cầu số lượng thuốc PrEP của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn các cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP lập kế hoạch thuốc PrEP năm 2025 để đảm bảo đáp ứng kịp thời cho công tác điều trị PrEP trên địa bàn tỉnh.

Về thuốc điều trị PrEP nguồn Dự án Quỹ Toàn cầu có tên thuốc, hàm lượng là Emtricitabine & Tenofovir Disoproxil Fumarate Tablets 200mg/300mg. Quy cách đóng gói 30 viên/hộp với liều dùng trung bình/ngày là 01 viên/ngày. Tổng nhu cầu số lượng thuốc PrEP của kế hoạch năm 2025 được tính bằng số lượng thuốc sử dụng của 12 tháng năm 2025 cộng số lượng tồn kho an toàn tại cơ sở cuối năm 2025 trừ số lượng tồn kho đầu năm 2025. Trong đó, số lượng thuốc sử dụng của 12 tháng năm 2025 là ước tính nhu cầu thuốc cho số khách hàng nhận thuốc từng tháng năm 2025. Số lượng tồn kho an toàn tại cơ sở cuối năm 2025 được tính bằng 3 lần số lượng thuốc sử dụng trong tháng 12 năm 2025. Tồn kho đầu năm 2025 là số lượng thuốc ước tính còn tồn tại cơ sở điều trị đến ngày 31/12/2024.

Sau khi tiến hành rà soát, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật lập kế hoạch thuốc điều trị PrEP nguồn Dự án Qũy Toàn cầu năm 2025 trên địa bàn tỉnh là 80.550 viên để đảm bảo đáp ứng nhu cầu điều trị PrEP, tăng gần 22 nghìn viên so với ước tính nhu cầu thuốc prep nguồn viện trợ cho bệnh nhân/khách hàng năm 2024.

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) là một trong những can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả hiện nay. Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Trong đó chỉ tiêu tỷ lệ nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được điều trị PrEP đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Ngày 11/12/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5154/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Quyết định 5154) với chỉ tiêu 72.000 người có nguy cơ cao nhiễm HIV được điều trị PrEP vào năm 2025. Việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm HIV ở nhóm có hành vi nguy cơ cao, qua đó giảm tỷ lệ nhiễm HIV mới và về lâu dài sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho quỹ BHYT khi chi trả cho các dịch vụ điều trị HIV. Thuốc PrEP được uống đều đặn 1 viên mỗi ngày vào 1 thời điểm nhất định. Người điều trị có thể dùng các biện pháp hỗ trợ như hẹn giờ, ứng dụng điện thoại nhắc nhở … để khỏi quên. Nếu lỡ quên hãy uống ngay khi nhớ ra (không uống quá 2 viên trong 24 giờ); PrEP đạt hiệu quả bảo vệ tối đa khi dùng 7 ngày liên tục với quan hệ tình dục hậu môn và 21 ngày liên tục đối với quan hệ tình dục âm đạo hoặc tiêm chích ma túy.  PrEP an toàn với hầu hết người sử dụng, bao gồm cả phụ nữ mang thai và cho con bú. Chỉ có một số ít người (khoảng 10%) gặp tác dụng phụ như buồn nôn, đau đầu …, nhưng các tác dụng phụ thường nhẹ và chấm dứt sau một đến hai tuần. 

Việt Nga

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập:2792

Số lượt truy cập: 33985570