Bắc Giang đẩy mạnh công tác điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) 6 tháng đầu năm 2024

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Tại Bắc Giang tính đến 26/6/2024 lũy tích toàn tỉnh đã phát hiện 3.725 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó số người phát hiện mới là 33 trường hợp. Số bệnh nhân HIV/AIDS đã tử vong là 1.382 người. Số người nhiễm HIV/AIDS còn sống là 2.343 người, trong đó số người nhiễm còn sống được quản lý tại địa phương là 1.662 người. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng là 0,08%. Mặc dù tỷ lệ lây nhiễm HIV đã có xu hướng giảm trong những năm gần đây, nhưng để phấn đấu hoàn thành Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, thì Bắc Giang cần phải nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn. Trong đó điều trị trước phơi nhiễm HIV (PrEp) được xác định có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược tổng thể phòng chống HIV/AIDS, làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV lên tới 90%. Trong 6 tháng đầu năm, công tác điều trị trước phơi nhiễm HIV (PrEp) tại Bắc Giang đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Ngay từ đầu năm, Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEp) trên địa bàn. Kế hoạch nhằm đẩy mạnh điều trị PrEp cho những người có hành vi nguy cơ cao, để giảm số người nhiễm HIV mới. Trong đó Bắc Giang hướng tới mục tiêu đa dạng hóa các mô hình cung cấp dịch vụ điều trị PrEP phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo khách hàng được tiếp cận dễ dàng, thuận lợi; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ PrEP thông qua các mô hình cung cấp dịch vụ điều trị PrEP toàn diện, thân thiện, hướng tới sự hài lòng của khách hàng; Tăng cường các hoạt động truyền thông tạo cầu, đa dạng hóa các kênh thông tin và xây dựng nội dung truyền thông phù hợp với đặc điểm của từng nhóm quần thể có hành vi nguy cơ cao, nhằm tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ điều trị PrEP của các nhóm đối tượng này; Thiết lập mạng lưới giám sát, báo cáo điều trị PrEP lồng ghép vào mạng lưới giám sát, báo cáo phòng, chống HIV/AIDS, bảo đảm kết nối các dịch vụ để chăm sóc sức khỏe toàn diện cho khách hàng. Trong năm 2024 Bắc Giang phấn đấu: Tỷ lệ người MSM được điều trị PrEP đạt 30%; Số khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV được điều trị PrEP ít nhất 1 lần đạt 600 người; Tỷ lệ khách hàng duy trì điều trị PrEP sau 3 tháng đạt trên 80%;  Hoạt động điều trị PrEP được lồng ghép vào chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Trong công tác triển khai gói dịch vụ điều trị PrEp tại Phòng khám ngoại trú HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tư vấn, xét nghiệm HIV được  thực hiện tốt cả về hình thức và chất lượng. Hoạt động tư vấn, xét nghiệm được tổ chức bằng nhiều hình thức: Tư vấn xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế; Tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng (gồm tư vấn xét nghiệm lưu động, xét nghiệm không chuyên, xét nghiệm trong trại giam, trại tạm giam...). Quá trình tư vấn, xét nghiệm HIV luôn tuân thủ 5 nguyên tắc: đồng thuận, bảo mật, tư vấn, chính xác và kết nối với chăm sóc, điều trị. Đối tượng cần được tư vấn và xét nghiệm HIV bao gồm người nghiện chích ma túy, hành nghề mại dâm, quan hệ đồng giới nam, người chuyển giới, mắc bệnh lao, người mắc các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, phụ nữ mang thai, vợ/chồng/con của người nhiễm HIV, chị em của trẻ nhiễm HIV, người phơi nhiễm với HIV, người có quan hệ tình dục không an toàn với người sử dụng ma túy không rõ tình trạng nhiễm HIV, người nhiễm virus viêm gan C, người bệnh đã được khám lâm sàng và được xét nghiệm cận lâm sàng nhưng không phát hiện được nguyên nhân gây bệnh hoặc có các triệu chứng gợi ý nhiễm HIV. Tại Bắc Giang duy trì 2 phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện (VCT) và 7 phòng xét nghiệm khẳng định: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế Lục Ngạn, Yên Dũng, Hiệp Hòa, yên Thế, Tân Yên. Công tác giám sát phát hiện chẩn đoán HIV được thực hiện đúng quy định theo thông tư 07/2023/TT-BYT, đảm bảo tư vấn trước và sau xét nghiệm. Tư vấn xét nghiệm HIV là một trong những can thiệp có hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch HIV/AIDS. Nó vừa góp phần vào việc dự phòng, vừa góp phần vào chăm sóc, hỗ trợ và điều trị kịp thời cho người nhiễm HIV/AIDS. Trong 6 tháng đầu năm 2024, nhờ xét nghiệm, Bắc Giang đã phát hiện mới 33 người nhiễm HIV, và đã kịp thời đưa vào điều trị.

Công tác điều trị trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV(PrEp) tại Bắc Giang được thực hiện đến nay được gần 4 năm. Tính từ 1/2024 đến 30/6/2024 số khách hàng đang sử dụng PrEP là 247 người, trong đó có 244 người sử dụng PrEP hàng ngày, 3 người sử dụng PrEP tình huống. Số khách hàng nhận dịch vụ PrEP ít nhất một lần là 332 người. Trong đó số khách hàng đã sử dụng PrEP từ 3 tháng trở lên kể từ lần đầu tiên sử dụng là 92 người. Trong số này không có khách hàng nào cho kết quả dương tính với HIV, kết quả xét nghiệm HIV âm tính là 92 người. Số khách hàng đã sử dụng PrEP dưới 3 tháng kể từ lần đầu tiên sử dụng là 240 người. Tỷ lệ những người sử dụng PrEP tiếp tục uống PrEP từ 3 tháng trở lên kề từ lần đầu tiên sử dụng đạt 27,7%. Tỷ lệ những người sử dụng PrEP duy trì điều trị đạt 27,7%. Số khách hàng dừng sử dụng PrEP là 85 người, trong đó dừng sử dụng PrEP do khách hàng không còn nguy cơ là 11 người; dừng sử dụng do nguyên nhân khác (di chuyển nơi ở) là 18 người, 53 người mất dấu trong vòng 30 ngày kể từ ngày tái khám, 2 người dừng sử dụng PrEP tình huống.

Ngoài ra, kết hợp với chương trình can thiệp giảm hại, việc cung cấp các dụng cụ can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV như: bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn... cho các đối tượng nguy cơ cao cũng được đẩy mạnh. Tính đến 20/6/2024 số người nghiện chích ma túy được tiếp cận với dịch vụ can thiệp giảm hại ( Chương trình phát bao cao su) là 1.693/2.050 người, đạt 82,59%; Phụ nữ bán dâm là 135/130 người đạt 103,85%; Số nam quan hệ với nam (MSM) là 544/820 người đạt 66,34%.

Bên cạnh đó, Bắc Giang tập trung nhiều trong công tác hỗ trợ tuân thủ điều trị PrEP và duy trì điều trị PrEP. Việc sàng lọc một số bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp (Lậu, giang mai, Chlamydia) và sàng lọc viêm gan B, C cũng được chú trọng để kết nối điều trị. Công tác truyền thông huy động cộng đồng và giảm kỳ thị, phân biệt đối xử trong nhóm khách hàng dùng PrEP cũng được tăng cường trong 6 tháng đầu năm.

Để khách hàng tiếp cận với PrEp một cách thuận tiện, dễ dàng, Bắc Giang đã tổ chức PrEp lưu động cung cấp các dịch vụ khám, tư vấn, xét nghiệm và cấp thuốc PrEP miễn phí cho các nhóm nguy cơ cao tại các điểm nóng trên địa bàn. Đội PrEp lưu động bao gồm các bác sỹ, dược sỹ, điều dưỡng, xét nghiệm và tư vấn viên … có kinh nghiệm chuyên môn thuộc lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS đã thực hiện khám, điều trị và theo dõi bệnh nhân PrEP. Đội có trang thiết bị chuyên dụng thực hiện khám, sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm, lập hồ sơ bệnh án, kê đơn điều trị và cấp phát thuốc PrEP miễn phí từ nguồn Dự án cho bệnh nhân đủ tiêu chuẩn điều trị tại cộng đồng. Tính đến tháng 6/2024, Bắc Giang đã tổ chức được 9 buổi PrEp lưu động tại các điểm nóng trên địa bàn như Khu Công nghiệp Song Khê – Nội Hoàng, khu dân cư tại Đồi Ngô, Lục Nam, Thành phố Bắc Giang...Tại đây, các đối tượng được khám, xét nghiệm HIV, viêm gan B, viêm gan C, creatinin hoàn toàn miễn phí, cung cấp các vật dụng can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV như bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn và tư vấn về PrEp. 

Trong 6 tháng cuối năm 2024, Bắc Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai gói dịch vụ điều trị PrEp tại Phòng khám ngoại trú HIV/AIDS, tư vấn xét nghiệm HIV cho đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV; Điều trị PrEP, hỗ trợ tuân thủ điều trị PrEP và duy trì điều trị PrEP; Sàng lọc một số bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp (Lậu, giang mai, Chlamydia), viêm gan B, C và kết nối điều trị; Cung cấp các vật dụng can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV như bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn; Truyền thông huy động cộng đồng và giảm kỳ thị, phân biệt đối xử trong nhóm khách hàng dùng PrEP; Đẩy mạnh PrEp lưu động để tăng cường độ bao phủ của PrEp trên địa bàn toàn tỉnh.

Tác giả: Bích Hợp

 

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập:14747

Số lượt truy cập: 45281620