Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: ( Hỏa tốc) Tăng cường công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ứng phó khẩn cấp với tình hình lũ lụt

|
查看数次:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Trước tình hình lũ lụt xảy ra diện rộng trên địa bàn một số huyện trong tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thị xã thành phố chủ động triển khai và thực hiện công tác vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước.

Khi có ngập lụt xảy ra cần: Theo dõi tình hình ngập lụt, tình hình vệ sinh môi trường và quản lý chất thải trong các cơ sở y tế trên địa bàn, tăng cường giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt của người dân.

Trong trường hợp không có nguồn nước sạch để sử dụng mà phải lấy nước ngập để xử lý: Cán bộ y tế cần chủ động cấp hóa chất xử lý nước, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp xử lý nước nhanh để có nguồn nước sạch an toàn cho sức khỏe.

Tổ chức hướng dẫn các đơn vị y tế và người dân triển khai ngay các biện pháp thu gom, xử lý rác thải đảm bảo an toàn, phòng tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh gây ảnh hưởng sức khỏe tại các khu vực bị ngập lụt.

 Sau bão lụtCác đơn vị tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị y tế cơ sở và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý chất thải y tế, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút.

Tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước cấp cho ăn uống, sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đảm bảo nồng độ clo dư theo quy định; tăng cường kiểm tra vệ sinh chất lượng nước hộ gia đình; kiểm tra giám sát việc thu gom, xử lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế đảm bảo thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Đối với công tác phòng chống dịch bệnh, các đơn vị y tế cần thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, chính quyền các cấp và Sở Y tế về công tác phòng chống bão số 3.

Theo dõi thông tin, cập nhật kịp thời tình hình diễn biến của bão tình hình  mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Rà soát kế hoạch, điều chỉnh các phương án chuẩn bị phòng, chống bão, lụt. 

Chủ động rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ và ngập lụt; sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra; củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ và ngập lụt. 

Tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa lũ và ngập lụt như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, nhất là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn....

Tăng cường tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng nguy cơ bị ảnh hưởng mưa lũ và ngập lụt triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, các biện pháp vệ sinh khác theo các khuyến cáo về các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau bão lụt đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. 

Đồng thời, đảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ và ngập lụt.

Đề nghị các đơn vị căn cứ tình hình thực tế và lượng tồn kho khẩn trương có văn bản đề xuất điều chuyển hóa chất Cloramin B từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho việc triển khai phòng, chống dịch bệnh khắc phục hậu quả của lụt, bão, thiên tai ứng phó bão số 3 và mưa lũ tại địa phương. Văn bản đề xuất gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trước 18h00 ngày 8/9/2024.

Trần Huyền

 

 

User Online:20368

Total visited: 52618841