PHÒNG CHỐNG THIẾU CANXI Ở TRẺ EM
1. Vai trò của canxi đối với cơ thể
Canxi là chất khoáng thiết yếu giúp cơ thể hình thành hệ xương và răng vững chắc, đảm bảo chức phận thần kinh và sự đông máu bình thường. Tất cả các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, tạo xương cho thai nhi, cung cấp canxi trong bài tiết sữa… đều cần canxi.
Trong cơ thể 99% canxi nằm trong xương và răng, 1% còn lại nằm trong các dịch và các tế bào của cơ thể. Nếu khẩu phần thiếu hụt canxi, để duy trì cân bằng canxi trong máu, cơ thể sẽ phải huy động canxi từ xương. Ngoài ra, ion canxi còn có vai trò giúp cho sự co cơ, nhịp đập của tim, sự đông máu và giúp hệ thần kinh gửi đi các thông tin.
2. Hậu quả của thiếu canxi
Cơ thể con người rất cần canxi, đặc biệt là đối với trẻ em. Thiếu canxi dẫn đến tình trạng rối loạn khoáng hóa tại xương. Tình trạng thiếu canxi kéo dài là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến giảm mật độ xương gây còi xương ở trẻ em.
Những biểu hiện thường gặp do thiếu canxi như chậm mọc răng, chậm vận động, chậm phát triển chiều cao, hay bị chuột rút, ngoài ra có thể gây tình trạng mất ngủ, ra mồ hôi trộm, tính tình nóng nảy. Lớn lên trẻ có nguy cơ bị chân vòng kiềng, lồng ngực nhỏ, thấp còi.
Nồng độ các ion canxi tự do trong máu thấp có thể dẫn đến co cứng cơ, tình trạng co giật cơ. Khi canxi trong máu giảm thì cơ thể phải huy động canxi từ xương vào máu để tham gia các quá trình chuyển hóa, gây nên các triệu chứng đau nhức các xương đặc biệt các xương dài ở trẻ đang tuổi phát triển.
3.Nguyên nhân thiếu canxi
Nguyên nhân thiếu canxi ở trẻ chủ yếu do thiếu canxi trong khẩu phần ăn và hấp thu canxi kém ở ruột non.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ thiếu canxi là do cha mẹ thiếu kiến thức nuôi con, dẫn đến thực hành dinh dưỡng không hợp lý: trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ăn dặm quá sớm hoặc không đúng cách, thức ăn không đa dạng…
Thiếu vitamin D (dưỡng chất giúp cơ thể hấp thụ canxi) cũng khiến trẻ bị thiếu canxi.
4. Phòng chống thiếu canxi
Hướng dẫn và hỗ trợ bà mẹ cho trẻ bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để đạt tăng trưởng tối ưu cho trẻ và tiếp tục cho bú đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.
Đối với trẻ nhỏ, quan trọng nhất là cần bổ sung canxi bằng thực phẩm hàng ngày, ăn đa dạng thực phẩm, tắm nắng đúng cách. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi cần được bổ sung canxi hoàn toàn bằng sữa mẹ, tăng cường canxi trong sữa mẹ qua chế độ ăn uống giàu canxi kết hợp với việc tắm nắng của bà mẹ.
Để tăng canxi trong khẩu phần cần lựa chọn các thực phẩm giàu canxi như sữa, sữa chua, phomat, tôm, cua, cá nhỏ (ăn được cả xương), trứng, các loại hạt đậu đỗ…
Ăn bổ sung các loại thực phẩm có bổ sung canxi như bánh mỳ, bánh quy có bổ sung canxi, … Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D như phomai, cá, trứng, sữa…
CDC Bắc Giang
- Sở Y tế: Kiểm tra, hỗ trợ khắc phục sau bão lụt do cơn bão số 3 tại Yên Thế và Yên Dũng 11/09/2024
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường tại... 11/09/2024
- THÔNG BÁO KẾT QUẢ THỬ NGHIỆM CHẤT LƯỢNG NƯỚC 11/09/2024
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong và sau mưa lũ 10/09/2024
User Online:18446
Total visited: 45111952