|
ページビュー:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

1. Những nguyên nhân dẫn đến nhiễm giun

          Nguyên nhân là do trẻ ở bẩn, không được chăm sóc chu đáo, do trẻ ham chơi tay không sạch mút vào miệng, ngậm đồ chơi bám bụi bẩn, tay bẩn cầm bánh kẹo, ăn thức ăn không được nấu chín.

Mặt khác, do ruồi nhặng bám vào chỗ bẩn, phân rác, rồi lại bám vào thức ăn mang theo trng giun, từ đó trứng giun sẽ dễ dàng chui vào ruột trẻ và sinh sản rất nhanh. Có nhiều loại giun sán, nhưng trẻ thường hay bị giun đũa và giun kim. Ngoài ra còn có nhiều loại khác như sán lá, sán dây và các loại giun chỉ, giun móc, cũng có thể mắc ở trẻ con, nhưng ít hơn.

Ai cũng có thể mắc bệnh giun sán, đặc biệt là trẻ em. Giun có thể bị nhiễm qua đường ăn uống, do ăn thức ăn không sạch, chưa chín kỹ, uống nước chưa được đun sôi, ăn các loại rau sống chưa được rửa sạch, qua bàn tay bẩn, nguồn nước không hợp vệ sinh, qua sinh hoạt hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất và cả nguồn không khí bị ô nhiễm, trẻ có thể bị nhiễm giun khi đưa đồ chơi bẩn vào miệng, cầm nắm thức ăn, không rửa tay sau khi đi đại tiện.

2. Tác hại của giun đối với cơ thể người

Khi các em bị nhiễm giun thường gầy ốm, xanh xao, bụng to bè, chậm lớn. Hậu quả như vậy là do các chất bổ béo bị giun ăn mất, hơn nữa chúng ta lại kém ăn hay buồn nôn, có khi nôn ra thức ăn, có khi nôn ra cả giun đằng miệng. Các em sẽ hay đau bụng vùng quanh rốn, rối loạn tiêu hóa, phân lỏng. Trường hợp có giun nhiều quá trong ruột có thể gây tắc ruột, hoặc giun di chuyển lung tung chui cả vào ống mật làm chúng ta đau bụng dữ dội.

Giun đũa có màu trắng hồng, thân tròn như chiếc đũa, sống trong ruột non, trứng đẻ trong ruột, rồi theo phân đi ra ngoài. Nếu các em ăn phải thức ăn không sạch, trứng giun theo đường tiêu hóa vào dạ dày xuống ruột nở thành giun con, đi vào mạch máu qua gan, phổi, rồi lại nuốt trở lại dạ dày xuống ruột sống cố định và lớn ở đây. Rọi phổi bằng tia (X) thấy có đám mờ, dễ lầm với viêm phổi trong thời gian giun chui qua phổi; làm cho các em có thể bị ho kéo dài gầy gò, mệt mỏi. Sống trong ruột non, giun tiêu thụ một phần chất bổ, đáng lẽ dùng để nuôi cơ thể các em, vì thế mà các em gầy còm, ốm yếu, xanh xao, thiếu máu. Không những thế giun còn tiết ra chất độc, khiến chúng ta khó ăn, khó ngủ làm cho chúng ta có thể trở nên càu nhàu, hay bực tức, tính tình thay đổi, ít vận động.

Giun kim là loại có hình thể nhỏ như chiếc kim khâu, màu trắng, sống trong trong ruột già và thường đẻ trứng ở hậu môn về đêm khoảng 9-10 giờ.

Giun kim có thể làm cho các em luôn khó chịu, hậu môn bị ngứa phải gãi , nhất là ban đêm, khi giun chui xuống đẻ. Vì vậy em ngủ không yên, trằn trọc hay nghiến răng, có khi nói mê, đái dầm. Các em không muốn ăn, có lúc rối loạn tiêu hóa, đau bụng vùng dưới rốn. Các em có giun kim đôi khi gây viêm ruột thừa. Ngoài ra, còn có các loại ký sinh trùng khác ít gặp ở trẻ con hơn như giun móc, giun chỉ v.v... Loại giun móc này sống trong ruột ở đoạn manh tràng, nó bám chặt vào niêm mạc ruột mà hút chất bổ của các em làm cho cơ thể xanh xao, thiếu máu, uống thuốc tẩy cũng không ra, phải có thuốc đặc hiệu mới trị nổi. Còn phải kể đến một số khác như sán lá, sán dây gồm nhiều đốt, đứt dần từng đốt, thường xuyên bò ra ngoài hậu môn, cũng làm cho các em bứt rứt, khó chịu.

Giun sống trong ruột người gây nhiều tác hại, nhất là với cơ thể trẻ em.

Giun đũa, giun tóc chiếm thức ăn ở ruột làm cơ thể thiếu chất dinh dưỡng, gầy yếu, chậm phát triển, kém thông minh. Giun còn tiết ra chất độc làm cơ thể bị nhiễm độc, xanh xao, vàng vọt, kém ăn. Đôi khi giun gây đau bụng và các biến chứng nguy hiểm khác như: Tắc ruột, lồng ruột do giun, giun chui ống mật, giun chui xuống ruột thừa gây viêm.

Giun móc bám vào ruột, hút máu làm cơ thể các em bị thiếu máu, xanh xao, mệt mỏi, chậm phát triển, học kém hay buồn ngủ trong giờ…

3. Biện pháp phòng chống

- Tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần, ít nhất mỗi năm 1 lần

- Chống phát tán mầm bệnh, tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, vườn tược sạch sẽ. Không dùng phân tươi chưa ủ kỹ bón ruộng.Không để ruồi nhặng bậu vào thức ăn.

- Thực hiện ăn chín uống sôi

- Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiện, không nghịch bẩn, thường xuyên tắm rửa, không đi chân đất, không để trẻ bò lê la dưới đất. Cắt móng tay, đi dép thường xuyên, bảo hộ lao động khi tiếp xúc với đất.

Khi chữa trị cần phải chú ý, vì các em có thể bị mắc nhiều loại, thí dụ vừa giun đũa lẫn giun kim, hoặc giun móc lẫn giun kim v.v... Vì vậy phải thử xem phân có loại giun nào, để chọn thuốc có tác dụng, đồng thời trên nhiều loại giun sán; nên tẩy đúng lúc và chú ý liều lượng dùng để tránh trường hợp bất thường là giun sán bị kích thích, đi lạc chỗ như chui vào ống mật chẳng hạn, rất nguy hiểm cho chúng ta nếu chẩn đoán không ra. Tốt nhất cứ 6 tháng, chậm là 12 tháng, chúng ta nên tẩy giun một lần

                                                                              CDC Bắc Giang

User Online:2410

Total visited: 33508146