|
Lượt xem:

1. Vai trò của Vitamin A đối với cơ thể

Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng quan trọng đối với cơ thể. Vitamin A có vai trò trong quá trình tăng trưởng, giúp cho trẻ phát triển bình thường. Vitamin A tham gia vào chức năng nhìn của mắt, chống quáng gà và bệnh khô mắt, bảo vệ da và niêm mạc, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.

Vitamin A ngoài tác dụng bảo vệ mắt, tăng sức đề kháng, còn có tác dụng tạo xương cho trẻ giúp cho trẻ có chiều cao tối đa theo tiềm năng.

 

2. Hậu quả của thiếu vitamin A

Thiếu vitamin A sẽ làm trẻ chậm lớn, nhất là ở những trẻ nhỏ, làm giảm sức đề kháng của cơ thể với bệnh tật, trẻ dễ bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn nặng, đặc biệt là các nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa và sởi. Nhiễm trùng và thiếu Vitamin A ở trẻ là một vòng luẩn  quẩn bệnh lý dẫn tới nguy cơ tử vong cao.

Thiếu Vitamin A mức độ nặng sẽ gây lên bệnh khô mắt, có thể dẫn đến mù vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.

3. Nguyên nhân thiếu vitamin A

Trẻ em dưới 3 tuổi dễ bị thiếu Vitamin A, vì ở độ tuổi này trẻ đang lớn nhanh, cần nhiều Vitamin A. Bên cạnh đó, ở độ tuổi này trẻ thường gặp phải nhiều yếu tố nguy cơ gây thiếu vitamin A.

Nguyên nhân thiếu Vitamim A là do khẩu phần ăn của trẻ bị thiếu hụt Vitamin A. Cơ thể không tự tổng hợp được vitamin A mà phải do thức ăn cung cấp, vì vậy nguyên nhân chính của thiếu vitamin A ở trẻ là do chế độ ăn nghèo vitamin A. Bữa ăn thiếu dầu, mỡ cũng làm giảm hấp thu vitamin A (vì vitamin A tan trong dầu, mỡ). Ở trẻ nhỏ đang bú thì nguồn vitamin A cho trẻ là từ sữa mẹ, trong thời kỳ cho con bú nếu bữa ăn của mẹ thiếu vitamin A sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con.

Do trẻ mắc các bệnh nhiểm khuẩn: khi trẻ mắc các bệnh nhiểm khuẩn đặc biệt là Sởi, Tiêu chảy, Viêm đường hô hấp làm tăng nhu cầu vitamin A gây nguy cơ thiếu vitamin A. Nhiễm giun, nhất là giun đũa cũng là yếu tố góp phần làm thiếu Vitamin A ở trẻ.

Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng thường kèm theo thiếu vitamin A vì thiếu đạm để chuyển hóa và vận chuyển vitamin A. ngoài ra thiếu kẽm cũng ảnh hưởng tới chuyển hóa vitamin A.

4. Phòng chống thiếu vitamin A ở trẻ em

Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi và tiếp tục cho bú tới 24 tháng giúp đảm bảo đủ nhu cầu vitam A cho trẻ.

Duy trì chế độ ăn đa dạng thực phẩm cho trẻ, sử dụng thực phẩm giàu vitamin A. Sử dụng dầu, mỡ trong bữa ăn của trẻ để tăng cường hấp thu vitamin A. Cho trẻ ăn những thực phẩm có nhiều vitamin A như: gan động vật, gan cá, lòng đỏ trứng, bơ, cá, thịt…là nguồn vitamin A động vật, dễ dàng hấp thu và dự trữ trong cơ thể. Thức ăn nguồn gốc thực vật có nhiều tiền vitamin A, vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A như các loại rau có  màu xanh sẫm: rau ngót, rau dền, rau muống… và các loại củ quả có màu vàng, màu đỏ như cà rốt, gấc, đu đủ, bí đỏ… Đây là giải pháp cơ bản và lâu dài để giải quyết vấn đề thiếu vitamin A ở trẻ.

Khuyến khích sử dụng cho trẻ những thực phẩm có bổ sung Vitamin A: Dầu ăn, sữa, hạt nêm….

Bổ sung vitamin A liều cao và tẩy giun định kỳ cho trẻ:

- Cho trẻ dưới 5 tuổi nguy cơ cao uống bổ sung vitamin A (trẻ suy dinh dưỡng, sau bị sởi, tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp).

- Bà mẹ sinh con trong vòng 1 tháng đầu đến cơ sở y tế bổ sung vitamin A liều cao, để duy trì nguồn vitamin A trong sữa mẹ.

Khoa Dinh dưỡng- CDc Bắc Giang

 

   

 

 

 

 

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập:9960

Số lượt truy cập: 67281576