Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, virus này được truyền từ người sang người thông qua muỗi đốt. Bệnh đặc trưng bởi sốt, xuất huyết và thoát huyết tương có thể dẫn tới sốc và tử vong nếu không được điều trị đúng và kịp thời.

Hiện nay đang là cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết, số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước trong những tuần gần đây, tại khu vực miền Bắc dịch sốt xuất huyết chủ yếu tập trung tại Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh...

 Nguyên nhân của tình trạng trên là do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (YAGI) nhiều địa phương có mưa to, đến rất to gây lũ lụt, ngập úng nhiều nơi, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi, lăng quăng/bọ gậy phát triển, bên cạnh đó sự giao lưu đi lại của người dân tăng cao, trong đó ý thức và hành vi vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt, còn chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Dự báo số mắc sốt xuất huyết thời gian tới có thể tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.  

Tại tỉnh Bắc Giang từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận 61 trường hợp sốt xuất huyết Dengue (SXHD) phân bố rải rác ở 10/10 huyện, thị xã, thành phố, các trường hợp đa số có yếu tố dịch tễ chủ yếu là từ các địa phương đang có dịch về như: Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh,…đã ghi nhận 04 ổ dịch SXHD quy mô từ 2 – 11 ca tại huyện Lạng Giang, Lục Nam, Hiệp Hòa và Lục Ngạn, đến nay không có trường hợp nào tử vong.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng và kéo dài trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã triển khai nhiều hoạt động như điều tra dịch tễ ca bệnh, xuống tận nơi xuất hiện ca bệnh để hướng dẫn các đơn vị y tế cơ sở thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, đồng thời ban hành công văn đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố, các Khu công nghiệp tỉnh (KCN)  chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue để người dân hiểu và hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue cho cá nhân và cộng đồng, như chủ động tham gia vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, dọn dẹp sạch sẽ, tạo không gian thoáng đãng ở nơi làm việc, sinh sống, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng/bọ gậy, muỗi . Đồng thời hướng dẫn người dân lật úp các xô, lọ, chai cũ chứa nước không dùng đến, cọ rửa và thay nước lọ hoa thường xuyên…để tránh muỗi đẻ trứng.

Ảnh: Internet

Các đơn vị cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ dịch tễ các trường hợp nghi/mắc sốt xuất huyết tại cộng đồng và tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, doanh nghiệp, đồng thời giám sát véc tơ (mật độ nhà có muỗi Aedes và chỉ số (BI) bọ gậy Aedes để có chỉ định phun hóa chất diệt muỗi).

Khi phát hiện ca nghi/mắc SXHD phải điều tra, lấy mẫu huyết thanh để xét nghiệm (Sử dụng test nhanh để sàng lọc trong chẩn đoán và giám sát vi rút) và gửi mẫu huyết thanh về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật làm xét nghiệm định týp vi rút Dengue.

Tiến hành giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ và mới phát sinh tại địa phương, xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình có ca bệnh, ổ dịch SXHD, đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật; vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước loại bỏ các ổ lăng quăng/bọ gậy, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun hóa chất diệt muỗi.

 Khi có 1 ổ dịch SXHD xử lý khu vực phạm vi bán kính 200 mét kể từ nhà bệnh nhân.

 Khi có từ 3 ổ dịch SXHD trở lên tại một thôn/xóm/tổ dân phố hoặc tương đương trong vòng 14 ngày: Xử lý quy mô thôn/xóm/tổ dân phố và có thể mở rộng khi dịch lan rộng.

 Thời gian thực hiện: Các biện pháp xử lý ổ dịch SXHD phải được triển khai trong vòng 48 giờ kể từ khi ổ dịch được xác định.

Một ổ dịch được xác định là chấm dứt khi: Không phát hiện được ca bệnh mắc mới trong vòng 14 ngày kể từ ngày khởi phát của ca bệnh cuối cùng. 3. Tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân theo Quyết định số 2760/QĐ-BYT ngày 04/7/2023 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue, hạn chế tối đa các trường hợp nặng, tử vong do sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn tỉnh. 

Cùng với đó là tăng cường củng cố, duy trì đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng, chống sốt xuất huyết Dengue từ xã đến huyện và đội ngũ cộng tác viên phòng, chống sốt xuất huyết tại các xã, phường, thị trấn; Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, hóa chất diệt muỗi, máy phun hóa chất, để sẵn sàng đáp ứng kịp thời khi có dịch xảy ra. Thường xuyên cập nhật và báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế./. 

Trần Huyền

User Online:11513

Total visited: 49802999