PHÒNG CHỐNG THIẾU VITAMIN D Ở TRẺ EM

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

1.  Vai trò của vitamin D

Vitamin D là một vitamin tan trong chất béo, đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên cấu trúc xương thông qua cơ chế phân phối canxi và phospho. Vitamin D làm tăng hấp thu canxi và phospho qua đường tiêu hóa.

          Lượng vitamin D đầy đủ trong cơ thể là điều kiện thiết yếu để canxi và phospho được gắn trong mô xương giúp ngăn ngừa bệnh còi xương ở trẻ em. Vitamin D là một chất quan trọng giúp điều hòa cân bằng nội môi của canxi và phospho trong cơ thể.

2. Hậu quả của thiếu vitamin D

Thiếu hụt vitamin D trầm trọng gây ra còi xương ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Còi xương là bệnh tiên phát ở trẻ nhỏ, biến dạng xương ở thời kỳ thơ ấu có thể để lại di chứng cho thời kỳ trưởng thành, xương sống có thể bị gù, vẹo, hẹp khung chậu.

 

3. Dấu hiệu thiếu vitamin D ở trẻ em

  Trẻ hay quấy khóc, khó ngủ, ngủ không yên giấc, ngủ hay giật mình do thần kinh bị kích thích; ra nhiều mồ hôi về ban đêm, ngay cả khi trời lạnh (mồ hôi trộm); trẻ bị rụng tóc ở vùng gáy (dấu hiệu chiếu liếm); trẻ thường chậm phát triển thể lực, cơ nhẽo, da xanh, lách to.

  Các dấu hiệu ở xương (xuất hiện muộn): các biểu hiện rối loạn ở xương có thể xuất hiện ở những xương khác nhau, tùy theo tuổi của trẻ và mức độ nặng nhẹ của bệnh: Trẻ chậm mọc răng và răng mọc không cân đối, chậm biết lẫy, bò, đi…; thóp rộng, bờ thóp mềm, lâu liền thóp; biến dạng hộp sọ, đầu bẹt... chuỗi xương sườn và biến dạng lồng ngực, cong vẹo cột sống, chân vòng kiềng.

4. Nguyên nhân thiếu vitamin D

          Trẻ đẻ non, trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2500g), trẻ nhũ nhi (do có dự trữ vitamin D trong cơ thể thấp); trẻ không được tiếp xúc đầy đủ với ánh nắng mặt trời (đặc biệt trong những tháng mùa đông); trẻ không được bú mẹ hoặc trẻ bú mẹ hoàn toàn nhưng nguồn vitamin D trong sữa mẹ thấp do mẹ ít tiếp xúc với ánh nắng, hoặc bà mẹ có tình trạng thiếu vitamin D nặng trong thời gian mang thai.

 Trẻ ăn sữa ngoài, ăn bột sớm và ăn bột nhiều (gây ức chế hấp thu canxi) hoặc chế độ ăn thiếu canxi, phospho, vitamin và các chất khoáng khác. Trẻ em có chế độ ăn chủ yếu dựa vào rau và các loại hạt,  không sử dụng sữa hoặc các thực phẩm có bổ sung vitamin D. Trẻ hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn (nhiễm khuẩn hô hấp, sởi, rối loạn tiêu hóa kéo dài…).

5. Phòng chống thiếu vitamin D

 Cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm (đủ 4 nhóm), sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D, canxi  như cá, trứng (lòng đỏ trứng), sữa, bơ, gan cá, dầu cá, tôm, cua và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phomat…(canxi trong sữa dễ hấp thụ hơn canxi từ các nguồn thực phẩm khác, cá nhỏ nguyên xương, tôm tép nguyên vỏ chứa nhiều canxi). Bữa ăn cần có đủ dầu, mỡ để tăng cường hấp thu vitamin D. Ngoài ra, chế độ ăn cần phải có đủ chất đạm, vitamin và khoáng chất.

Lựa chọn cho trẻ các thực phẩm có bổ sung vitamin D như: sữa, bột dinh dưỡng cho trẻ em, bột mỳ, bánh quy, ngũ cốc, dầu ăn...

 Hướng dẫn và hỗ trợ bà mẹ cho trẻ bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để đạt tăng trưởng tối ưu cho trẻ và tiếp tục cho bú đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.

 Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể giúp cho da tổng hợp 90% nhu cầu vitamin D của cơ thể. Do đó trẻ cần ở nơi thoáng mát, nhiều ánh sáng và cho trẻ tắm nắng hàng ngày để lộ chân tay, lưng, bụng, ngực cho da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 15- 20 phút vào khoảng 9 giờ sáng. Khi tắm nắng cần đội mũ, đeo kính râm để tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào đầu và mắt trẻ.

Dự phòng và điều trị bệnh liên quan đến thiếu vitamin D: Vệ sinh môi trường, tẩy giun và tiêm chủng cho trẻ đầy đủ, đúng lịch.

Dự phòng và điều trị thiếu vitamin D bằng cách uống bổ sung vitamin D theo chỉ định của bác sĩ tại cơ sở y tế.

                                                                            CDC Bắc Giang

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập:2520

Số lượt truy cập: 33516688