Mở rộng điều trị PrEP góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng
Tình hình dịch HIV tại Việt Nam còn diễn biến phức tạp với số người nhiễm HIV đang có xu hướng trẻ hóa, người nhiễm HIV thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đang có dấu hiệu gia tăng. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm sẽ góp phần tích cực để giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, trong 03 năm trở lại đây, số người nhiễm HIV được phát hiện có xu hướng tăng lên, trong đó gần 60% là nam quan hệ tình dục đồng giới. Lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn tiếp tục là đường lây chính trong lây nhiễm HIV và tỷ lệ này có xu hướng gia tăng.
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) là một biện pháp can thiệp giảm lây nhiễm HIV một cách hữu hiệu với hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm HIV qua đường tình dục lên tới 97% và qua tiêm chích đến 74% nếu tuân thủ điều trị tốt. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi lây truyền HIV do quan hệ hình dục không an toàn là nguyên nhân chính tại Việt Nam.
Kể từ khi chương trình PrEP được thí điểm vào năm 2017, đến nay có 35 tỉnh/thành phố trên cả nước đang cung cấp dịch vụ này. Việt Nam đang dẫn đầu khu vực châu Á về việc triển khai chiến lược sử dụng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) với số lượng người sử dụng PrEP vượt quá 65.000 người vào năm 2023, đồng thời, trong giai đoạn từ 2020 đến 2023, đã có tổng cộng 96.500 người tham gia chương trình. Duy trì hơn 70% người dùng PrEP trong 3 tháng. Bên cạnh đó, những mô hình linh hoạt và đa dạng để triển khai PrEP, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau.
PrEp được triển khai tại Bắc Giang từ tháng 10/2020. Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, Bắc Giang đã cơ bản triển khai tốt và có những kết quả bước đầu trong điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được từ chương trình PrEP, năm 2024, ngành Y tế tỉnh đặt mục tiêu 300 khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV được điều trị PrEP ít nhất 1 lần. Với sự nỗ lực của các đơn vị trong ngành, tính đến tháng 9, số khách hàng được điều trị PrEP là 327 người, đạt 109% so với kế hoạch.
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, tỉnh Bắc Giang tiếp tục mở rộng, đổi mới các biện pháp can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV. Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) ở các cụm công nghiệp, khu công nghiệp lớn và cả hệ thống công lập và tư nhân.
Rà soát, xác định đối tượng ưu tiên cung cấp dịch vụ PrEP, mở rộng cung cấp thông tin PrEP cho thanh niên trẻ và nhân viên y tế; xây dựng kế hoạch và triển khai đa dạng mô hình, sáng kiến mới trong cung cấp dịch vụ PrEP như cung cấp dịch vụ lưu động, dịch vụ PrEP từ xa (Tele PrEP).
Duy trì và nâng cao chất lượng điều trị PrEP tại cơ sở điều trị, kết nối khách hàng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV tiếp cận với các cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị PrEP. Mở rộng độ bao phủ cung cấp dịch vụ điều trị PrEP tới các khách hàng có nguy cơ lây nhiễm HIV bao gồm: Người có quan hệ tình dục đồng giới; người chuyển đổi giới tính; người sử dụng ma túy; người bán dâm; vợ/chồng của người nhiễm HIV, người có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển đổi giới tính và người sử dụng ma túy, người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV.
Cùng với đó, các cơ sở y tế sẽ tăng cường chuyển gửi, kết nối điều trị giữa điều trị PrEP với chẩn đoán, điều trị các bệnh phối hợp như viêm gan B, C, bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Đỗ Tập
Tin hoạt động
- Sở Y tế Bắc Giang: Hội nghị tập huấn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai Sổ Sức khoẻ... 24/12/2024
- Hội thảo Khoa học về vắc xin Qdenga 23/12/2024
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Giám sát hỗ trợ triển khai vắc xin Rota cho trẻ em dưới 1 tuổi... 18/12/2024
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Tập huấn hệ thống giám sát, thống kê báo cáo bệnh không lây nhiễm 11/12/2024
Liên kết website
Thống kê truy cập
Đang truy cập:36787
Số lượt truy cập: 89743047