Kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 8 tháng đầu năm 2022

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Theo số liệu thống kê từ Ban An toàn giao thông tỉnh, trong 8 tháng đầu năm 2022 (từ ngày 15/12/2021- 14/8/2022) trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 147 vụ tai nạn giao thông, làm chết 77 người, làm bị thương 103 người. So với cùng kỳ năm 2021 đã giảm 16 vụ, tăng 09 người chết, giảm 36 người bị thương. Tất cả những vụ tai nạn giao thông này đều xảy ra trên đường bộ.

Trong đó chỉ tính riêng tháng 8/2022 (từ ngày 15/7/2022 - 14/8/2022) toàn tỉnh đã  xảy ra 17 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5 người, làm bị thương 13 người. So sánh với cùng kỳ năm 2021 đã giảm 08 vụ, giảm 09 người chết, giảm 06 người bị thương. 

Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng, các đơn vị, địa phương tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt vào các dịp nghỉ lễ, các điểm xung yếu, các nút giao thông trên địa bàn toàn tỉnh.

 Thường trực Ban ATGT tỉnh đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2022; tăng cường thực hiện tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn hoặc có chất ma túy; khảo sát, xác định các vị trí  dừng, đỗ đón trả khánh trên tuyến đường gom hai bên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang; trao mũ bảo hiểm cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hiếu học được đến trường trên địa bàn tỉnh.

 Công an tỉnh ban hành Kế hoạch về tự kiểm tra, đánh giá công tác quản lý, sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện chuyên dùng của lực lượng CSGT; Chỉ đạo các đơn vị tăng cường thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về TTATGT, tập trung xử lý đối với phương tiện vi phạm về quá khổ, quá tải, xe vận tải hành khách, xe chở công nhân; Chủ động phòng ngừa, không để xảy ra các vụ TNGT gây hậu quả từ nghiêm trọng trở lên; Chỉ đạo công an các cấp bảo đảm TTATGT tại các trạm thu phí không dừng; kiến nghị khắc phục những điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông tại các khu công nghiệp; triển khai cập nhật bổ sung dữ liệu đăng ký xe; tăng cường bảo đảm TTATGT đường thuỷ trên địa bàn.

 Sở Giao thông vận tải triển khai kế hoạch cắm mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ theo Quy hoạch được duyệt; đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, bảo trì đường bộ; chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe khách trên địa bàn tỉnh tăng cường quản lý điều kiện an toàn phương tiện, đẩy nhanh tiến độ lắp đặt camera lên phương tiện theo quy định; kiểm tra, giám sát nghiêm quy trình đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Đối với Ban ATGT các huyện, thành phố tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo tăng cường các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ; bảo đảm TTATGT trong mùa mưa bão; duy trì thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT; chỉ đạo lực lượng chức năng xử lý theo các chuyên đề như: nồng độ cồn, sử dụng ma túy, xe quá khổ, quá tải, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hóa, đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, phòng ngừa ùn tắc giao thông tại khu công nghiệp...; phối hợp triển khai, xử lý hoàn thiện hệ thống báo hiệu đường bộ và cảnh báo giao thông trên các tuyến đường, giải tỏa hành lang giao thông thuộc địa bàn quản lý...

Bên cạnh đó Công an tỉnh cũng đã tiến hành đã xử lý 3.687 trường hợp vi phạm. Trong đó xử lý vi phạm 1.762  xe ô tô, 1.892 xe mô tô; 238 trường hợp liên quan quá khổ, quá tải, 878 trường hợp về nồng độ cồn; tạm giữ 1.221 phương tiện các loại; tước giấy phép lái xe có thời hạn 1.181 trường hợp. Thu nộp ngân sách 7,9 tỷ đồng. So sánh với tháng 7 năm 2022,  xử lý tăng 614 trường hợp ; quá khổ, quá tải giảm 115 trường hợp; nồng độ cồn giảm 47 trường hợp và xử phạt tăng 700 triệu đồng.

Thanh tra Giao thông vận tải chỉ đạo các Đội thanh tra kiểm tra, xử lý 22 trường hợp, xử phạt 92 triệu đồng.

Cùng với đó, Ban ATGT tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai tuyên truyền theo các chuyên đề: vi phạm nồng độ cồn, sử dụng chất ma túy khi lái xe; an toàn giao thông đường thủy nội địa; an toàn giao thông đường ngang qua đường sắt...; phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức truyền thông nâng cao kiến thức pháp luật về an toàn giao thông tại huyện Việt Yên, Lạng Giang; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các huyện, thành phố triển khai hoạt động “Truyền thông gia đình” năm học 2022-2023; Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Bắc Giang tăng cường tuyên truyền theo các nội dung chuyên đề về bảo đảm TTATGT, kịp thời đưa tin về tình hình TTATGT trong các bản tin thời sự hàng ngày, cảnh báo các nguy cơ cao gây TNGT, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh TNGT,...

Tháng 8, công tác bảo đảm TTATGT được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện đã đạt được một số kết quả như: công tác tham mưu, lãnh chỉ đạo có sự tập trung quyết liệt, đặc biệt là xử lý các vấn đề nóng, bức xúc như: giải quyết ùn tắc giao thông tại các khu công nghiệp trên địa bàn và trên tuyến đường gom hai bên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, xử lý xe dù, bến cóc, xe quá tải, xe đưa đón công nhân ...; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông tiếp tục được duy trì; công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải được chỉ đạo quyết liệt đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và đảm bảo an toàn trong điều kiện phòng dịch Covid-19; công tác duy tu, bảo trì đường bộ, xử lý điểm mất ATGT được quan tâm, giao thông trên các tuyến cơ bản đảm bảo; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT tiếp tục được tăng cường; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt có số người chết giảm sâu (-64,2%) so với với cùng kỳ.

Tuy nhiên có thể thấy, tai nạn giao thông trong 8 tháng đầu năm số người chết đã tăng 9 người = (13,2%) so với cùng kỳ 2021. Có 05 địa phương có số người chết tăng là huyện Sơn Động tăng 7 người chết; TP Bắc Giang tăng 4 người chết; huyện Yên Thế tăng 3 người chết; Việt Yên tăng 2 người chết; Tân Yên tăng 1 người chết.

 Tình trạng vi phạm pháp luật về TTATGT, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và trật tự đô thị còn diễn ra phổ biến, vấn đề xử lý, khắc phục chưa có chuyển biến đáng kể.

 Hoạt động vận tải tiềm ẩn nhiều bất ổn, vi phạm “xe dù, bến cóc”, xe ô tô đón khách trên QL1, gầm cầu vượt cao tốc HN-BG, xe đưa đón công nhân, xe taxi đón khách tại các khu công nghiệp chưa được xử lý triệt để.

 Tiến độ xử lý các tồn tại, bất cập về ATGT tại các lối đi tự mở qua đường sắt còn chậm; hoạt động của các bến khách ngang sông vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. 

Nguyên nhân của những tồn tại trên phần nhiều do ý thức chấp hành của người tham gia giao thông còn hạn chế, hình thành thói quen xấu, chậm chuyển biến, vi phạm pháp luật về TTATGT xảy ra nhiều; Hạ tầng giao thông còn khó khăn, các trục giao thông chính đều đang trong tình trạng quá tải, làm tăng nguy cơ mất ATGT;  Do phong tục, tập quán, lợi nhuận kinh tế, các hộ dân cố tình lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh hàng hóa, tổ chức đám cưới, đám tang... làm cản trở tầm nhìn của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, uy hiếp ATGT, tiềm ẩn TNGT;  Phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo đảm  trật tự an toàn giao thông chưa đáp ứng yêu cầu.

Cùng với đó là một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa tập trung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT theo chức năng, nhiệm vụ được giao; còn tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt; Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT có nơi hình thức, dàn trải, chưa sát tình hình thực tiễn dẫn đến hiệu quả còn chưa cao.

 Vi phạm quy định pháp luật về TTATGT tiếp tục gia tăng, nhất là những hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT như: vi phạm nồng độ cồn, đi sai phần đường, làn đường, vi phạm về tốc độ, chở quá số người quy định, người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm....

Dự báo tình hình trật tự an toàn giao thông tháng 9 và thời gian tới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, lưu lượng, mật độ phương tiện tiếp tục gia tăng. Để hoàn thành mục tiêu giảm TNGT tối thiểu 5% trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2021, các cơ quan thành viên, Ban ATGT các huyện, thành phố cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giải tỏa ùn tắc giao thông tại các khu công nghiệp và kiềm chế tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn đặc biệt trên đường cao tốc; Tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; kiên trì vận động Nhân dân thực hiện việc “Đã uống rượu, bia - không lái xe, Không sử dụng điện thoại khi lái, Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện... Xây dựng phương án tổ chức giao thông an toàn, thông suốt, nhất là trên tuyến, khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông;  Tăng cường quản lý, củng cố điều kiện hoạt động bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, cầu phao, cải thiện điều kiện an toàn đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện thủy nội địa trên địa bàn;  Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc đối với các cơ quan thành viên, Ban An toàn giao thông cấp huyện, cấp xã trong việc triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn.

                                                           Tác giả: Trần Huyền 

.

 

 

 

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Tin hoạt động Tin hoạt động

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập:1295

Số lượt truy cập: 32610824